Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệt độ giảm còn 7-9 độ C, người dân lưu ý biện pháp chống rét

Kim Nhuệ| 16/01/2021 17:34

(HNMO) - Đêm nay (16-1), bộ phận không khí lạnh sẽ tràn tới nước ta và ảnh hưởng đến thành phố Hà Nội, gây ra đợt rét đậm, rét hại. Để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, người dân cần lưu ý biện pháp phòng tránh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh nên đêm nay và ngày mai (17-1), các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa nhỏ; thời tiết chuyển dần sang trạng thái rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Trọng tâm đợt rét này là tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai...

Thành phố Hà Nội trong đêm nay và sáng sớm mai có mưa nhỏ; gió Đông Bắc cấp 3, thời tiết chuyển dần sang trạng thái rét đậm, có nơi rét hại, nhiệt độ thấp nhất khu vực trung tâm và phía Nam thành phố là 12-14 độ C, khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 11-13 độ C. Sau thời gian trên, nền nhiệt tại thành phố tiếp tục giảm, mức thấp nhất tại các quận là 9-11 độ C, các huyện 8-10 độ C, riêng vùng núi huyện Ba Vì 7-9 độ C...

Cơ quan y tế cho biết, rét đậm, rét hại là nguyên nhân chủ yếu gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người, nhất là đối với những người cao tuổi, mắc các bệnh liên quan hô hấp, tim mạch, huyết áp... Vì vậy, trong những ngày giá rét, người dân Thủ đô lưu ý các biện pháp làm ấm nhà cửa; hạn chế ra ngoài trời, nhất là đêm khuya và sáng sớm. Khi có việc cần thiết phải ra ngoài trời, người dân lưu ý mặc quần áo mỏng nhiều lớp, đeo khẩu trang, giữ ấm phần cổ, ngực, bàn chân, bàn tay.

Người chăn nuôi ở Hà Nội sử dụng đèn sưởi làm ấm chuồng nuôi gia cầm trong những ngày rét.

Theo cơ quan thú y, rét đậm, rét hại thường làm gia súc, gia cầm mất năng lượng, ảnh hưởng đến sức đề kháng và làm chậm khả năng sinh trưởng của đàn vật nuôi; là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên đàn vật nuôi các bệnh: Tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn ở lợn; bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò; bệnh Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm, tụ huyết trùng trên đàn gia cầm…

Vì vậy, để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại gây ra, người chăn nuôi chủ động che bạt chắn gió cho chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa, bảo đảm chuồng trại luôn kín, ấm, khô ráo, sạch sẽ; hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C; tăng cường sưởi ấm cho đàn nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi để sưởi...

Những ngày rét đậm, rét hại, người dân cần cho trâu, bò uống nước ấm, bổ sung muối ăn với lượng 5 gram/100kg trọng lượng cơ thể nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng; tăng khẩu phần ăn 5-10% so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét; đồng thời cho vật nuôi uống bổ sung vitamin, điện giải, đường glucose, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệt độ giảm còn 7-9 độ C, người dân lưu ý biện pháp chống rét

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.