Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài

Thu Hằng| 06/04/2021 06:11

(HNM) - Ngày 7-10-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thành phố Hà Nội đã, đang đẩy mạnh thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài...

Khu sản xuất thuốc theo dây chuyền sản xuất tự động, vô trùng tuyệt đối BFS của Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội (Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín).

- Xin ông cho biết, hoạt động tiếp thu, chuyển giao và làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội thời gian qua được triển khai thông qua những hình thức nào?

- Hoạt động tiếp thu, chuyển giao và làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội thời gian qua thường thông qua 3 hình thức. Thứ nhất là, ứng dụng công nghệ nhập khẩu bắt đầu từ dự án thí điểm. Thứ hai là, một số doanh nghiệp của Hà Nội chủ động nhập khẩu công nghệ có xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến (Nhật Bản, Hàn Quốc) thông qua dự án đầu tư. Bắt đầu từ việc ứng dụng, sau đó nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài. Thứ ba là, nghiên cứu, tiếp thu công nghệ thông qua các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Thành phố Hà Nội định hướng nhập khẩu công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên nào, thưa ông?

- Theo Kế hoạch số 222/KH-UBND, đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp với tình hình địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hà Nội trong 8 lĩnh vực định hướng ưu tiên, gồm: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố Hà Nội.

- Trong năm vừa qua, việc thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đạt được kết quả gì?

- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên việc thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong năm 2020 bị chậm. Tuy vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thẩm định và cấp đăng ký cho 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật và cấp đăng ký sửa đổi, bổ sung cho 11 hợp đồng theo thẩm quyền. 95% chủ thể chuyển giao công nghệ qua các hợp đồng đã đăng ký với Sở là các công ty liên doanh, công ty nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Đã có một số hoạt động nhận chuyển giao hoặc nghiên cứu, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Công nghệ đa phần xuất xứ từ châu Âu hoặc các nước châu Á có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Phương thức chuyển giao công nghệ là đào tạo, cử chuyên gia...

Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Công ty TNHH Probitic Plus (Nga) chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn Bacillus subtilus B-15 và Bacillus lichen informis B-14. Lĩnh vực dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh, Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội (Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín) ứng dụng công nghệ BFS trong sản xuất dược phẩm; Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) nhập khẩu sản xuất viên nang mềm nhãn hiệu CUBE (Hàn Quốc). 

Trong lĩnh vực công nghệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Sóc Sơn tiếp nhận công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt kiểu Waterleau của Bỉ trong dự án “Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày”...

- Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 222/KH-UBND, thì cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Giải pháp đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là xác định định hướng ưu tiên chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, trình độ sản xuất và năng lực làm chủ, tự thiết kế, sáng tạo công nghệ trong nước. Đồng thời triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động đổi mới công nghệ; bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.