Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 tháng đầu năm nhập siêu nhưng không đáng lo ngại

Lam Giang| 17/06/2021 18:31

(HNMO) - Cán cân thương mại 5 tháng qua chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu. Cho đến nay, vấn đề này chưa đáng lo ngại song Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến để có những giải pháp kịp thời. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 17-6.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo.

Theo đó, tháng 5-2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD). Tuy nhiên, có tới 90% lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

“Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sản xuất trong nước dần phục hồi. Cán cân thương mại chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu đến thời điểm này không quá lo lắng. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát để có đánh giá cụ thể diễn biến tình hình”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, dù dịch Covid-19 diến biến phức tạp trong đợt dịch thứ 4, không chỉ một tỉnh mà nhiều tỉnh, thành phố cùng xảy ra dịch, trong đó có nhiều khu công nghiệp lớn, áp dụng nhiều biện pháp giãn cách, phong tỏa khác nhau song ngành vẫn bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, người dân không đổ xô tích trữ hàng hóa. Cùng với đó, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đã bảo đảm tốt sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh rất khó khăn, nhất là tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp và trọng điểm kinh tế như Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh.

Về công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch của các địa phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã đẩy mạnh các giải pháp tối ưu việc tiêu thụ. Như với trái vải Bắc Giang, Hải Dương đến thời điểm này đã tiêu thụ được trên 60% khối lượng vải thiều của niên vụ 2021. Bộ đã bảo đảm tốt việc đưa hàng hóa tới cửa khẩu, nhanh chóng tới tay thương nhân Trung Quốc theo hợp đồng. Ngoài việc tiếp tục duy trì xuất khẩu vải thiều tới nhiều thị trường, chúng ta còn mở rộng tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, phát triển công nghiệp và thương mại cơ bản bám sát các kịch bản tăng trưởng đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở mức cao hơn so với kế hoạch, đạt 9,9% trong 5 tháng đầu năm. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, nhu cầu phục hồi tại nhiều thị trường trên thế giới tạo điều kiện cho doanh nghiệp ký kết nhiều đơn hàng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, đạt 44% kế hoạch năm, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, đồng đều ở nhiều ngành hàng quan trọng và các thị trường lớn. Nhiều thị trường lớn mở cửa trở lại do đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân khiến nhu cầu hồi phục, các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội giành được các đơn hàng lớn. “Nhiều doanh nghiệp như ngành dệt may có đơn hàng hết quý III, thậm chí là hết năm 2021”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì “mục tiêu kép”, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 tháng đầu năm nhập siêu nhưng không đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.