Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt vừa chống dịch, vừa sản xuất

Thanh Hải| 26/08/2021 06:06

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh một số tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhiều giải pháp đã được đưa ra giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự linh hoạt trong phương án để vừa chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

Các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử  tại Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Khó khăn của doanh nghiệp

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) Phạm Huy Vệ cho biết, từ đầu tháng 8-2021 đến nay, đơn vị phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Phương án “3 tại chỗ” đã được xây dựng nhưng khó khăn là công nhân nữ chiếm chủ yếu, lại thường trú tại thị xã Sơn Tây nên đều muốn được về nhà.

“Đơn vị đã kiến nghị phương án giảm từ 2.000 lao động xuống còn khoảng 500-800 lao động là người địa phương, tổ chức sản xuất trong 5 phân xưởng độc lập. Số lao động này đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện nghiêm “1 cung đường 2 điểm đến”. Phương án này là nhằm để doanh nghiệp hoàn thiện những đơn hàng đang sản xuất dở, nhưng chưa được UBND thị xã Sơn Tây chấp thuận”, ông Phạm Huy Vệ nói. Ước tính, việc chậm đơn hàng có thể làm doanh nghiệp này thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thậm chí mất thị trường khi đối tác tìm các nhà cung ứng khác.

Tương tự, Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai) cũng gặp tình trạng thiếu nhân lực do nhiều công nhân không tham gia “3 tại chỗ”. Trưởng phòng Nhân sự Công ty TOMECO Trần Thu Trang cho biết, chi phí thực hiện “3 tại chỗ” lớn, trong khi dịch bệnh vẫn kéo dài gây gánh nặng cho đơn vị. “Chúng tôi đã kiến nghị phương án cho người lao động ở vùng không có ca bệnh được về nhà”, bà Trần Thu Trang nói.

Qua thực tế triển khai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể duy trì trong ngắn hạn và áp dụng với doanh nghiệp có nhà xưởng rộng, ít công nhân. Còn với ngành May, công nhân đông sẽ rất khó khăn. Do đó, các phương án phòng dịch, duy trì hoạt động sản xuất an toàn cần linh hoạt dựa trên những tiêu chuẩn thống nhất.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, sau khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, chỉ có 1.077/3.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp và 546/661 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đang duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp được phép hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan cũng đang cho thấy những bất cập, chưa thực sự hiệu quả vì làm phát sinh chi phí sản xuất, trong khi năng suất lao động giảm. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài quá lâu.

Thành phố Hà Nội triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân để duy trì ổn định hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Quang

Cần linh hoạt phương án sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giải pháp "3 tại chỗ" trước đây được áp dụng thành công ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, song khi triển khai ở địa bàn khác lại phát sinh bất cập. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất bổ sung các hình thức sản xuất khác để doanh nghiệp lựa chọn, như người lao động được về nhà và cam kết bảo đảm “1 cung đường 2 điểm đến” với chính quyền địa phương và doanh nghiệp (bảo đảm các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại nhà và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng dọc đường); sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất trong các trung tâm công nghiệp, như có thể không yêu cầu người lao động phải ở trong nhà máy.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương cũng đã đề xuất, với hình thức "1 cung đường 2 điểm đến”, cung đường là nơi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, hai điểm đến là nơi ở và nơi làm việc của người lao động. Trong đó, nơi ở là nơi người lao động ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt để tái tạo sức lao động; có thể là nơi tập trung hoặc phân tán theo nhóm người lao động hoặc gia đình của người lao động.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung điều kiện cụ thể cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại, từ 30% đến 100% như trước thời điểm dịch bệnh diễn ra tùy theo điều kiện bảo đảm an toàn của doanh nghiệp và kết quả phòng, chống dịch Covid-19.

Về vấn đề này, trong cuộc họp với các bộ, ngành địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, việc thực hiện “3 tại chỗ” vừa đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp, vừa yêu cầu sự vào cuộc rất quyết liệt của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Thực tế, Chính phủ, các cấp, ngành đã liên tục chỉ đạo thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch Covid-19… để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu.

Rõ ràng, để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cơ quan chức năng, nhất là các địa phương cần có sự linh hoạt phù hợp thực tế, giúp doanh nghiệp vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt vừa chống dịch, vừa sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.