Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau "đôi bàn tay vàng"

Hoàng Phong| 14/07/2011 07:27

(HNM) - Nhận giải thưởng cao nhất, được vinh danh tại các hội thi tay nghề quốc gia hay ở khu vực ASEAN là niềm tự hào và vinh dự mà không phải người thợ trẻ nào cũng may mắn có được.

Người được giải thưởng cao quý là kết quả của sự khéo léo, tài năng, niềm đam mê và những khổ luyện. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục học tập, rèn tay nghề, nâng cao trình độ thì khó thành đạt trên con đường nghề nghiệp.

Thi Tay nghề trẻ ASIAN lần thứ 8.

Cơ hội đi liền sự phấn đấu

Ngày nhập học Khoa Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghiệp, Nguyễn Văn Dũng chỉ mong trở thành công nhân lành nghề với một công việc ổn định. Cậu học sinh xuất thân từ vùng quê nghèo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp vượt qua các vòng thi từ cấp cơ sở, lên thành phố, đội tuyển quốc gia và là một trong những đại diện của Việt Nam đi thi tay nghề ASEAN năm 2006. Nguyễn Văn Dũng đã hoàn thành xuất sắc bài thi và được nhận giải thưởng cao nhất.

Về nước Dũng tiếp tục học liên thông đại học. Hai năm sau đó là quãng thời gian Dũng vất vả không kém so với thời kỳ ôn luyện tay nghề. Không ai nghĩ người có đôi bàn tay vàng lại phải bươn chải hết chỗ này đến chỗ khác để lo cuộc sống. "Bàn tay vàng chỉ làm đẹp hồ sơ, giúp em dễ dàng vượt qua vòng sơ tuyển chứ không mang lại cho em những quyền đòi hỏi về mức lương, kén chọn công việc. Quan trọng nhất là hiệu quả công việc, họ giao việc mình có hoàn thành tốt hay không" - Dũng nói.

Giải bạc Hội thi Tay nghề ASEAN năm 2002, Thạch Mỹ An cũng đã trải qua nhiều ngày tháng vật lộn mưu sinh thời hậu bàn tay vàng. So với bạn học cùng khóa, Mỹ An nổi trội và may mắn hơn khi được nhận tấm Huy chương bạc môn nghiệp vụ nhà hàng tại đấu trường khu vực. Cũng như Dũng, rời trường nghề, đối mặt với cuộc sống, "bàn tay" nào cũng được đối xử bình đẳng như nhau trong công việc. Trước khi được nhận vào làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Du lịch TP Hồ Chí Minh, đảm nhiệm thêm vị trí Thư ký Câu lạc bộ Bartender Sài Gòn... là hai năm Mỹ An lăn lộn trong công việc. Các khách sạn, nhà hàng trong thành phố cần tuyển nhân viên là Mỹ An gửi hồ sơ, phỏng vấn, làm việc và nhận lương như tất cả các nhân viên khác. Tranh thủ thời gian trống, Mỹ An học liên thông lên đại học và trau dồi ngoại ngữ.

Chỉ là một điểm tựa

Nguyễn Văn Dũng hiện đang là giảng viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đang cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thiết kế sản phẩm máy cơ điện tử đầu tiên cho mình. Những thành công bước đầu trên con đường sự nghiệp là kết quả của sự khổ luyện, kiến thức mà Dũng có được từ "bệ phóng" bàn tay vàng.

Với Thạch Mỹ An cũng vậy, chỉ biết dừng lại với danh hiệu mà không có quá trình phấn đấu sau đó, Mỹ An vẫn chỉ là một nhân viên mẫn cán. Mỹ An chia sẻ: "Tấm huy chương hay danh hiệu Bàn tay vàng rất quý nhưng chỉ là ghi nhận thành quả của mình trong một quá trình, thời gian nhất định chứ không phải là tất cả, đừng nên bỏ qua những bài học từ thực tế cuộc sống". Đó là kinh nghiệm, là những kỹ năng làm việc cần thiết để trở thành nhân viên giỏi.

Thành công tại một cuộc thi không có nghĩa là sẽ nối tiếp thành công trong suốt chặng đường sự nghiệp còn lại. Tại một buổi lễ trao giải và tôn vinh các bàn tay vàng trở về từ đấu trường ASEAN, TS Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) từng nhắn nhủ các thí sinh rằng, việc được chọn dự hội thi tay nghề các cấp và may mắn hơn là đoạt giải chính là đã mở ra rất nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp với học sinh trường nghề. Tuy nhiên, bàn tay vàng là sự khởi đầu và là điểm tựa, điểm xuất phát để cất cánh. Còn thành công hay không và thành công đến đâu lại phụ thuộc rất nhiều vào việc tự rèn luyện, tự chọn cho mình con đường tiến thân của mỗi người. Chỉ trông cậy vào huy chương để tỏa sáng, để làm nên danh phận là điều khó có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau "đôi bàn tay vàng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.