Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siêu thị “gánh bão giá” cùng người tiêu dùng

Thanh Hiền| 21/10/2012 06:21

(HNM) - Từ cuối tháng 9 đến nay, các siêu thị tại Hà Nội đã nhận được khá nhiều đề nghị tăng giá của nhà cung cấp với những nhóm hàng, như thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm và hàng gia dụng, với mức tăng 5-15%. Tuy nhiên, hầu hết các siêu thị đều đàm phán điều chỉnh hợp lý mức tăng giá để cùng chia sẻ với người tiêu dùng (NTD).

Những mặt hàng được doanh nghiệp (DN) cung cấp đề nghị tăng giá lần này tuy chỉ chiếm 5-10% hàng hóa đang kinh doanh trong các siêu thị, nhưng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, có sức tiêu thụ tốt như thực phẩm, hàng may mặc, hóa mỹ phẩm… Một số hãng bia, nước ngọt dù chưa gửi thông báo tăng giá, nhưng lại thông báo tạm ngừng giao hàng để kiểm tra sổ sách… Trong bối cảnh NTD tiết giảm chi tiêu, doanh số bán hàng của các siêu thị giảm so với năm ngoái. NTD chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hằng ngày, còn những mặt hàng gia dụng sức mua không cao. Lượng hàng tồn đọng ở các kho còn nhiều, vì vậy dù các chi phí đầu vào như xăng, dầu, gas… có nhiều biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng để giữ sức mua, hầu hết các siêu thị đều chủ động kết hợp với các nhà phân phối để chia sẻ với khách hàng, nên giá các mặt hàng trong thời điểm này tương đối ổn định.

Các siêu thị đã đàm phán với những nhà cung cấp để điều chỉnh tăng hợp lý mức giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Ảnh: Minh Nguyễn

Cùng với việc giữ giá, hai bên chấp nhận giảm lợi nhuận để thực hiện các chương trình khuyến mãi, luân phiên giảm giá các mặt hàng thiết yếu để "gánh bão" cùng NTD. Nhằm đối phó với những đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp trong thời gian tới, các nhà bán lẻ lớn như BigC, Hiway, Co.opmart… đang thực hiện nhiều giải pháp như đầu tư ứng vốn bao tiêu đầu ra cho các DN yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn cung ổn định, tăng cường dự báo thị trường, bảo đảm nguồn hàng dự trữ, đẩy mạnh các nhãn hàng riêng với giá rẻ. Đại diện siêu thị BigC cho biết, đơn vị liên tục thương lượng với DN cung ứng để có mức điều chỉnh giá thấp nhất và kéo dài thời hạn áp dụng giá mới tùy theo mặt hàng. Nếu buộc phải điều chỉnh giá sẽ chờ đến dịp Tết năm 2013, khi sức mua của người dân tăng. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đến thời điểm này hệ thống siêu thị Hapro chưa tăng giá mặt hàng nào. Mặc dù các chi phí đầu vào ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhưng không thể áp hết chi phí vào giá thành sản phẩm. Nếu DN cung cấp hàng hóa yêu cầu tăng giá không hợp lý, Hapro sẽ tìm nhà cung cấp khác có hàng hóa chất lượng tương đương, giá cạnh tranh hơn. Với những trường hợp tăng giá hợp lý, Hapro sẽ đàm phán với nhà cung cấp để có chính sách chia sẻ khó khăn với NTD, đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình.

Bên cạnh nỗ lực kiềm chế tối đa việc tăng giá, các siêu thị còn chủ động kích cầu nhân dịp lễ, tết, thậm chí ngay cả những ngày trong tuần bằng các chương trình giảm giá, tặng quà, tăng lượng hàng khuyến mãi 1.000-2.000 sản phẩm/đợt, mức giảm giá 5-50% nhiều mặt hàng. Từ ngày 1-11, Sở Công thương Hà Nội sẽ khai mạc "Tháng khuyến mãi 2012", với gần 1.000 điểm khuyến mãi giảm giá ít nhất từ 15%; có 25 "Điểm vàng" khuyến mãi giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Hệ thống BigC tổ chức đợt khuyến mãi giảm giá 50% với 2.000 mặt hàng hóa mỹ phẩm và 500 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Siêu thị Hiway cũng có chương trình khuyến mãi đến hết ngày 31-10, mức giảm giá 20-50% với hơn 1.300 mặt hàng, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu dùng cho gia đình, hóa mỹ phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siêu thị “gánh bão giá” cùng người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.