Theo dõi Báo Hànộimới trên

SeaBank lên tiếng việc công ty thép dùng “sổ đỏ” người dân trả nợ

Thủy Hương| 24/04/2013 10:04

(HNMO)-Việc các chủ tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của Công ty Thép Hương Thịnh tại SeABank Láng Hạ là theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam...

Ảnh: Internet


Trong 2 ngày qua (22 và 23-4), dư luận xôn xao khi tại trước trụ sở Chi nhánh SeABank Láng Hạ, số 22 Láng Hạ đã có 7 người dân đến tập trung và mang theo biểu ngữ với nội dung: “Công lý ơi! Hãy cứu chúng tôi, đề nghị ngân hàng SeABank trả lại tài sản cho chúng tôi”.

Trong số 7 người này có 4 người là chủ tài sản thế chấp bảo đảm cho nợ vay của Công ty CP Thép Hương Thịnh có trụ sở tại cụm Công nghiệp Hoàng Mai, xã Hoàng Thịnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

SeABank cho biết, trước đó, tháng 6-2012, Ban lãnh đạo Công ty CP Thép Hương Thịnh và một số người tự nhận là cổ đông mới góp vốn vào Công ty CP Thép Hương Thịnh đến làm việc tại Phòng giao dịch Trần Duy Hưng (thuộc Chi nhánh Láng Hạ). Những người này đề nghị được thế chấp tài sản vào SeABank để Công ty CP Thép Hương Thịnh vay vốn kinh doanh. Các chủ tài sản cũng đã ký các văn bản cam kết ghi rõ: Đã hiểu rõ tình hình tài chính, tình hình hoạt động của Công ty Hương Thịnh tại thời điểm bảo lãnh và hoàn toàn tự nguyện dùng tài sản để bảo lãnh cho Công ty vay vốn tại SeABank; các chủ tài sản cam kết không vay ké; các chủ tài sản hiểu rõ nghĩa vụ của việc thế chấp tài sản; đặc biệt, trong trường hợp Công ty CP Thép Hương Thịnh không trả được nợ, chủ tài sản cam kết hợp tác vô điều kiện trong trường hợp phải bán tài sản để trả nợ thay.

Sau đó, việc thế chấp tài sản được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay, khi biết Công ty CP Thép Hương Thịnh đang gặp khó khăn và có thể mất khả năng chi trả, vỡ nợ thì các chủ tài sản đã đến Chi nhánh Láng Hạ yêu cầu giải chấp các tài sản bảo đảm. Qua quá trình làm việc, các chủ tài sản thừa nhận, họ không phải là cổ đông của Công ty CP Thép Hương Thịnh như đã từng nói mà họ chỉ thế chấp tài sản để vay ké tiền.

Đến nay, do các chủ tài sản vẫn chưa được Công ty CP Thép Hương Thịnh chuyển cho số tiền cần vay ké và do sợ bị xử lý tài sản thế chấp nên các chủ tài sản kéo đến Chi nhánh Láng Hạ gây áp lực để đòi giải chấp tài sản đã thế chấp vào Ngân hàng.

Trước vụ việc này, SeABank cho rằng, việc các chủ tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay của Công ty Thép Hương Thịnh tại SeABank Láng Hạ là theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Để sự việc xảy ra như hiện nay cũng có lỗi của các Chủ tài sản.

SeABank đã tỏ rõ thiện chí và đề ra hướng giải quyết là: Các chủ tài sản phối hợp cùng SeABank yêu cầu Công ty CP Thép Hương Thịnh trả nợ hoặc bổ sung tài sản thay thế. Nếu các chủ tài sản thế chấp không chấp thuận biện pháp giải quyết của SeABank, thì có thể khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

SeABank phản đối hành vi tụ tập đông người trái phép và giăng biểu ngữ trước trụ sở của Chi nhánh Láng Hạ, gây ảnh hưởng tới hoạt động cũng như uy tín của Chi nhánh Láng Hạ nói riêng và ngân hàng SeABank nói chung.

“Nếu trường hợp này còn tái diễn, SeABank đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp nhằm đảm bảo ổn định hoạt động, tránh phát sinh các rắc rối cũng như đảm bảo uy tín, thương hiệu của ngân hàng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay” - SeABank nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
SeaBank lên tiếng việc công ty thép dùng “sổ đỏ” người dân trả nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.