Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Chuyển giá, trốn thuế - Kịch bản quen thuộc

Hương Ly| 31/08/2014 06:20

LTS: Được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, được các địa phương

LTS: Được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, được các địa phương "trải thảm đỏ" nhưng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) lại liên tiếp báo lỗ, nợ đọng tiền thuế, thậm chí rút khỏi thị trường sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù cơ quan thuế đã phát hiện, truy thu, giảm lỗ tại các DN FDI hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế, song ngân sách nhà nước vẫn bị thất thu lớn. Vì vậy, sửa đổi cơ chế ưu đãi đầu tư, quản lý chặt chẽ nguồn tiền thuế và xây dựng cơ sở dữ liệu chống chuyển giá là những việc cần sớm thực hiện nhằm hạn chế tình trạng này.

Bài 1: Chuyển giá, trốn thuế - Kịch bản quen thuộc

Đóng góp gần 20% GDP với khoảng 40% sản lượng công nghiệp, 56% kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) là một trong những thành phần quan trọng của kinh tế nước ta. Song, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, đóng góp tích cực vào NSNN, không ít DN FDI mặc dù hưởng lợi lớn từ chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ nhưng vẫn sử dụng những thủ đoạn tinh vi để lách luật, trốn thuế. Kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá do Tổng cục Thuế thực hiện cho thấy, hàng loạt DN FDI trên cả nước liên tục báo lỗ, trốn thuế, bị truy thu, truy hoàn, giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế.

Trong 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, Metro không đóng đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.


Ung dung hưởng lợi rồi báo… lỗ

Để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn vào Việt Nam và đặc biệt ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn. Trên thực tế, trong giai đoạn từ năm 1998-2004, các DN FDI đã hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của Chính phủ về thuế suất và thời hạn được miễn thuế, tín dụng, đất đai nhiều hơn hẳn so với các DN trong nước. Ngoài ra, các DN FDI còn được ưu đãi của chính quyền địa phương về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, quảng cáo, đào tạo lao động…

Thế nhưng, kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế tại các DN FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Qua thanh tra, kiểm tra tại 2.110 DN, Tổng cục Thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng. Đặc biệt, thanh tra thuế đã buộc DN phải giảm lỗ hơn 4.192 tỷ đồng. Số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực DN FDI (chiếm 40% tổng số thu).

Trên thực tế, nhiều năm qua, những nghi án chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI đã nhiều lần được dư luận đề cập. Từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam tới năm 2011, khi tòa nhà Keangnam bắt đầu vận hành với doanh thu đạt trên 5.200 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina vẫn báo lỗ 140 tỷ đồng. Đồng thời, bằng những dàn xếp về giá vốn xây dựng, một khoản lợi nhuận lớn đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc. Ngay trong năm 2012, chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, tuyên bố trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì… lỗ.

Tương tự, sau 12 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Metro Cash & Carry, một "đại gia" trong lĩnh vực phân phối của Đức đã liên tục báo lỗ, trở thành một trong những DN FDI thua lỗ lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến năm 2012, tổng cộng mức lỗ lũy kế mà Metro thông báo lên tới 598 tỷ đồng. Vì vậy, trong suốt 12 năm hoạt động, Metro chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Thế nhưng, đại gia bán sỉ hàng đầu trên thế giới này lại rời Việt Nam sau khi bỏ túi khoảng 870 triệu USD sau khi bán đứt chuỗi 19 đại siêu thị của mình cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan (trong khi tổng vốn đầu tư ban đầu của Metro là 78 triệu USD). Câu chuyện hai mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu tại tỉnh Quảng Nam do Tập đoàn Besra của Canada khai thác liên tục kêu thua lỗ, nợ thuế gần 300 tỷ đồng những ngày qua cũng là tâm điểm chú ý của dư luận. Không chỉ trây ỳ nợ thuế, DN này đã đóng cửa mỏ, cho trên 500 lao động nghỉ việc nhằm tạo sức ép với cơ quan thuế và chính quyền địa phương. Trong khi đó, đáng nói là đã có hàng nghìn tấn vàng được tập đoàn này khai thác và bán hết ra nước ngoài trong những năm gần đây...

“Cuộc chiến” không cân sức

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong số 2.110 DN bị thanh, kiểm tra trong năm 2013 thì phần lớn đều phải chấp nhận giảm lỗ, đồng thời chấp hành ấn định số tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt của cơ quan thuế. Trên thực tế, bằng sự vào cuộc của ngành thuế, Công ty Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh là 1.220 tỷ đồng. Tuy nhiên, để xác định hành vi, thủ thuật chuyển giá không hề đơn giản. Lực lượng thanh tra phải mất nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích cho ra các dữ liệu so sánh độc lập. Đó không chỉ đơn thuần thông qua việc kiểm soát giá nguyên, nhiên liệu đầu vào mà cần phải được thực hiện, đánh giá qua nhiều bước, nhiều khâu. Sau khi tìm ra được các mức giá phi lý, không đúng với thị trường rồi áp mức giá mới vào và buộc DN phải chấp nhận. Khâu quan trọng nhất hiện nay là hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn phải thực sự đầy đủ mới có thể giúp cán bộ thuế đủ căn cứ, cơ sở để buộc các DN có hành vi chuyển giá phải thừa nhận hành vi gian lận.

Song trên thực tế, các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia đều lọc lõi, kinh nghiệm. Họ luôn có một đội ngũ luật sư, chuyên gia tài chính giỏi tư vấn trong lĩnh vực thuế theo hướng có lợi nhất cho DN. Trong khi đó, lực lượng thanh tra thuế chuyên ngành lại quá mỏng, sự phối hợp trong chống chuyển giá giữa các bộ, ngành còn lỏng lẻo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không được đào tạo bài bản, khả năng cán bộ thuế bị các DN FDI qua mặt là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Báo cáo của 63 cục thuế địa phương cho thấy, qua thanh tra tại 870 DN FDI, phát hiện tới 720 DN vi phạm. Tại Cục Thuế TP Hà Nội, thanh tra 332 DN, cơ quan thuế phát hiện tới 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỷ đồng. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thanh tra 193 DN FDI, phát hiện 164 DN vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỷ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỷ đồng…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Chuyển giá, trốn thuế - Kịch bản quen thuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.