Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội không còn ùn tắc, ô nhiễm: Đổi mới cách làm và quản lý quy hoạch

Gia Khánh| 18/06/2016 07:04

(HNM) -

Có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ giải quyết được tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm. Trong ảnh: Đường xã Đàn. Ảnh: Đàm Duy


Làm rõ hơn nhiệm vụ quy hoạch và quản lý quy hoạch

Cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới, Hà Nội đang phải đối mặt với ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các nút giao thông, tuyến đường chính trên địa bàn thành phố thường xuyên có nồng độ bụi ở mức cao. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá cao hơn TP Hồ Chí Minh, dù lượng phương tiện ít hơn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt với những người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường.

Với nhiều giải pháp, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội đã giảm 124 điểm "đen" ùn tắc giao thông (so với năm 2011). Những tháng đầu năm 2016, Hà Nội xóa tiếp 10 điểm "đen" ùn tắc. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn tới 36 điểm "đen" và kết quả giảm ùn tắc giao thông - theo đánh giá của cơ quan chức năng, chưa thật sự bền vững, bởi những điểm "đen" mới có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Tương tự là tình trạng ngập úng khi mưa lớn. Hà Nội đã nỗ lực xóa hàng chục điểm ngập và cơ bản giải quyết việc thoát nước mưa với cường độ 310mm/2 ngày, cho khu vực nội thành, nhưng úng ngập lại xuất hiện trên diện rộng ở khu vực phía tây thành phố, nơi hạ tầng thoát nước chưa đầu tư đồng bộ với tốc độ đô thị hóa.

Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường mới mở nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo, công trình kiến trúc kỳ dị vẫn là nỗi ám ảnh. Nhận xét về công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nói: Có tình trạng dự án dẫn dắt quy hoạch chứ không phải quy hoạch điều chỉnh dự án. Hậu quả, các khu đô thị hình thành rải rác, cách xa nhau, không có hạ tầng khung kết nối nên ùn tắc, úng ngập là đương nhiên. Trong khi Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Hà Nội đã nỗ lực "phủ kín" đồ án quy hoạch, song thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển, giữa các quy hoạch lại điều chỉnh lẫn nhau; các đồ án không thống nhất được thời hạn hoàn thành, không đặt ra được nguồn lực thực hiện dẫn đến tình trạng "treo" và đầu tư thiếu đồng bộ.

Một trong những tồn tại của giai đoạn 2010-2015 là công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Giai đoạn 2016-2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố xác định là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong đó, đổi mới công tác quy hoạch, quản lý đô thị là một ưu tiên. Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải đột phá trong công tác quy hoạch, để không rơi vào tình trạng ùn tắc, ô nhiễm như một số đô thị lớn trong khu vực, một lần nữa cho thấy rõ hơn những nhiệm vụ mà Hà Nội đã xác định.

Tuyến phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Anh Tuấn


Phải quan tâm nhiều hơn đến cảnh quan, môi trường

Hà Nội tạo đột phá trong công tác quy hoạch như thế nào? Theo ông Phạm Sỹ Liêm, điều đầu tiên cần làm là đổi mới tư duy quy hoạch, cập nhật tiến bộ của thế giới. Ông Phạm Sỹ Liêm nói: Các khu đô thị mới, cần phải được quy hoạch đa chức năng, gồm cả nơi làm việc, nơi ở, dịch vụ... để giải quyết tình trạng dòng người di chuyển trong giờ tan tầm, gây ùn tắc giao thông. Và cùng với quy hoạch đô thị mới phải quy hoạch cải tạo đô thị hiện có. Thiếu không gian công cộng đang là vấn đề, nhưng từ trước đến nay, nhiều khu đất trong nội thành, sau khi di dời cơ sở sản xuất, lại được làm nhà ở, dẫn đến chất tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm thêm nặng nề...

Về việc đổi mới công tác quy hoạch, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần phải đặt trong bối cảnh những tác động đối với đô thị Hà Nội. Quy hoạch vùng Thủ đô trước đây xác lập vai trò của Hà Nội với 6 tỉnh, đến đầu năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh thành 9 tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội được xác định cao hơn, 70% so với 60-65% tại Quy hoạch chung Thủ đô đồng nghĩa với tỷ lệ dân cư đô thị tăng thêm mà kèm theo đó, cơ sở vật chất cần phải đầu tư nhiều hơn. Ở khía cạnh khác, Quy hoạch giao thông Hà Nội phê duyệt năm 2016, xác định chỉ tiêu 18-23% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông và 3-4% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông tĩnh. Đây là nhiệm vụ rất lớn đối với Hà Nội trong giai đoạn tới, chưa kể những yêu cầu mới về kiến trúc cảnh quan, môi trường, hạ tầng... nếu muốn tiếp tục xếp hạng đô thị đặc biệt.

Cùng quan điểm này, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý tới 2 vấn đề lớn của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa: Tốc độ tăng dân số bình quân gần 200 nghìn người/năm và hệ thống thoát nước ngày xưa vốn chỉ dành cho 2 triệu dân, giờ đang phải "gánh" cho 10 triệu dân. Tất cả đòi hỏi phải có những câu trả lời khoa học, cụ thể.

Ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị: Việc cần làm đầu tiên khi đổi mới công tác quy hoạch là rà soát toàn bộ quy hoạch hiện có, đồng thời xác định rõ nguồn lực thực hiện trong từng giai đoạn. Bên cạnh việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch, đồ án quy hoạch cần có giải pháp đồng bộ xử lý những tồn tại, như nhà siêu mỏng, siêu méo; ưu tiên đất "vàng" cho không gian công cộng, vườn hoa, sân chơi... và lấy con người làm trung tâm.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, một công việc quan trọng khác là thực hiện quy hoạch phải công tâm, minh bạch, thông qua hỏi ý kiến người dân mà đại diện là Hội đồng nhân dân; thông qua Mặt trận Tổ quốc với vai trò cơ quan phản biện; thông qua hội nghề nghiệp với vai trò là những chuyên gia. Cùng quan điểm, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Trong công tác quy hoạch, Hà Nội nên huy động sự tham gia của cộng đồng và các hình thức hợp tác quốc tế; đồng thời đổi mới xu hướng phát triển, với kiến trúc xanh, đô thị xanh để giải quyết vấn đề môi trường.

Trong thực tế, thành phố đã từng nhiều lần triển khai lấy ý kiến cộng đồng khi triển khai các dự án chỉnh trang đô thị hay khi tiến hành xây dựng đề án quy hoạch. Điển hình như dự án chỉnh trang mặt đứng phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) sau khi được nhân dân tham gia, đã tạo sự đồng thuận và hiệu quả cao trong khi thực hiện. Các dự án quy hoạch lớn như Quy hoạch phân khu đô thị Sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000 thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Thượng Thanh, Giang Biên, Phúc Lợi quận Long Biên; Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) (cuối năm 2015) hay Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 (mới đây) đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức những hội nghị xin ý kiến người dân. Đặc biệt, mới đây nhất, khi chỉnh trang mặt tiền tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) để thí điểm xây dựng tuyến phố kiểu mẫu của Thủ đô, chính quyền đã phát phiếu hỏi ý kiến nhân dân về phương thức, cách làm... Phương án nhiều hộ dân thống nhất được triển khai. Các hộ dân sống hai bên đường cùng tham gia sơn lại mặt tiền, tháo dỡ mái vẩy. Biển quảng cáo lắp đặt tự phát, không đồng bộ kích thước được thay mới… Điều đó cho thấy, nếu có sự tham gia của cộng đồng, chắc chắn dự án sẽ được triển khai một cách hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến đồng bộ về trật tự mỹ quan đô thị. Lãnh đạo thành phố khẳng định, từ thực tế triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, thành phố rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của nhân dân để tiếp tục nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội không còn ùn tắc, ô nhiễm: Đổi mới cách làm và quản lý quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.