Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: “Lùng nhùng” vay vốn làm ăn lớn

Bạch Thanh| 12/09/2016 06:16

(HNM) -


Bài đầu: “Lùng nhùng” vay vốn làm ăn lớn

Theo một khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), gần 50% người được hỏi cho biết được tiếp cận vốn vay tín dụng; 65% doanh nghiệp nông nghiệp nói thiếu vốn; 76% phàn nàn thủ tục ngân hàng quá rườm rà... Đặc biệt, nhiều nông dân kêu khó tiếp xúc với các tổ chức tín dụng để vay từ 100 triệu đồng trở lên, và hầu hết đều không được đáp ứng mức vốn như mong đợi. Những vấn đề "lùng nhùng" này tồn tại lâu nay và chưa được tháo gỡ một cách hiệu quả.

Nếu việc vay vốn thuận lợi, chắc chắn các nông hộ sẽ phát triển được nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất hiệu quả. Ảnh: Viết Thành


Nghị định mới, khó khăn cũ

Ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này được kỳ vọng là một bước “cởi trói” mạnh mẽ nhằm khơi thông luồng vốn tín dụng đến với trang trại, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông thôn nhờ cơ chế cho vay không cần thế chấp, mức vay nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41. Theo Nghị định 55 của Chính phủ, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại. Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

Sau hơn một năm triển khai, chính sách tín dụng này bộc lộ nhiều điểm bất cập. Khó khăn lớn nhất là nhiều thủ tục rườm rà và đặc biệt là phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn. Ông Dương Văn Nghi (thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) cho hay: Gia đình ông nhận diện tích khu vực đồng xa, sâu trũng để cải tạo làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả. Với quy mô hơn 10 sào, ít nhất phải có 500 - 600 triệu đồng, gia đình ông đã huy động mọi nguồn nhưng vẫn thiếu 400 triệu đồng. Vay ngân hàng thương mại thì vấp phải đủ các thủ tục phức tạp, từ thế chấp tài sản, hồ sơ vay, phương án trả lãi, gốc, đến phương án sản xuất kinh doanh… khiến ông "chóng mặt". “Ai cũng biết, đầu tư chuồng trại bài bản, mua con giống chất lượng tốt và mua thức ăn chăn nuôi trả ngay thì giá vừa rẻ lại chọn được hàng chất lượng, còn mua trả góp thì giá cao nhưng nông dân không có tiền đành chịu” - ông Nghi phản ánh.

Muốn vay vốn để đầu tư đầu vụ cam Canh nhưng loay hoay cả nửa năm nay trong khi... cam sắp vào vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Trường (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai) cũng than thở: Nông dân đều ít nhiều có tài sản thế chấp là căn nhà, ruộng vườn nhưng không thể đủ giá trị thế chấp vay vài trăm triệu đồng bởi cây ăn quả cuối năm mới cho thu hoạch. Đầu tư trang trại chăn nuôi lại rơi vào cảnh “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Nghĩa là phải có tiền xây trại thì mới đem trại đi thế chấp vay vốn được! "Bấy lâu nay, ngân hàng đều chỉ cho vay khi thế chấp bìa đỏ và giá trị dựa trên quyền sử dụng đất, còn tài sản trên đất hầu như không được định giá. Mà ở nông thôn, tài sản trên đất có khi còn giá trị gấp nhiều lần giá trị đất đai vì định giá giá đất rất thấp" - anh Trường nói.

Không thể vay đủ

Làm ăn nhỏ lẻ, nông hộ khó tiếp cận đồng vốn vay. Làm ăn lớn, nhiều ông chủ có "máu mặt"... còn mệt mỏi hơn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa) cho hay: Vốn liếng “đổ” vào trại lợn đến cả trăm tỷ đồng, giờ HTX muốn vay thêm 20-30 tỷ đồng để mở rộng sản xuất nhưng quá khó.

Theo quy định, ông Thanh thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, "ngoài yêu cầu như dự án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp, phương án trả nợ… thì HTX cần, chẳng hạn là 10 đồng, ngân hàng chỉ cho vay được 2 đồng, với lý do e ngại sản xuất gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh…" - ông Thanh bày tỏ. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố cũng cho biết, rất khó vay vốn đủ lượng cần thiết dù giá trị chuồng trại chăn nuôi, lượng hàng hóa nông sản xuất chuồng trị giá cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Việc mất bao thời gian, công sức lo các thủ tục để được vay vốn mà chỉ vay được một lượng nhỏ không đáp ứng được nhu cầu đầu tư mở rộng khiến HTX và doanh nghiệp đều nản.

Thực tế cho thấy, đa phần nông dân đầu tư theo kiểu “giật gấu vá vai”, năm thì vay mượn mua được con bò sữa, năm sau có tiền thì sửa chữa chuồng trại nên hiệu quả sản xuất thấp. Anh Nguyễn Văn Ngọc (thôn Phú Xuyên 1, xã Phú Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Vợ chồng tôi chăn nuôi tới hơn chục năm nay mà chưa khi nào thấy hết khó với đồng vốn. Rõ ràng mình sản xuất là thật nhưng xoay xở để có đủ vốn làm ăn rất mệt". Anh Ngọc cho rằng, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn và nhu cầu vay vốn được đáp ứng thấp nên rất nhiều mô hình hay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị "lãng quên" vì người dân không đủ điều kiện phát triển.

Không chỉ có chuyện thủ tục rườm rà, thực tế cho thấy còn không ít góc khuất trong tín dụng nông thôn. Ông Trần Văn Sần, Chi hội trưởng Chi hội Chăn nuôi vịt Đại Xuyên (Phú Xuyên cho hay), muốn có được đồng vốn vay ưu đãi trung hạn thì nhiều nông dân phải “bôi trơn” cho cán bộ ngân hàng với mức có thể tới 10% món vay. Tính cả chi phí mềm vào lãi suất, coi như nông dân hết phần ưu đãi.

Thông tin này nếu đúng thì rất đáng để suy ngẫm.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: “Lùng nhùng” vay vốn làm ăn lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.