Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương phải đi đôi với hiệu quả hoạt động

Hà Phong| 16/12/2016 07:15

(HNM) - Đi đôi với tăng lương cần quyết liệt tinh giản biên chế, bởi nếu bộ máy “phình” to và kém hiệu quả thì không ngân sách nào chịu nổi.

Tăng lương 7%/năm

Trước đó, câu chuyện “tiền đâu” để tăng lương đã nhiều lần được nâng lên đặt xuống trong chương trình nghị sự Quốc hội giai đoạn 2011-2015. Cuối cùng, sau nhiều lần bàn thảo, cơ quan chức năng đã quyết định điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở 3 lần, 1 lần thực hiện phụ cấp công vụ 25%, 1 lần điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống).

Tăng lương cần đi đôi với quyết liệt tinh giản biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh: Khánh Huy


Phương án này theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện chủ trương cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng chậm, trong khi áp lực chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất lớn. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cán bộ, công chức thì mức tăng trên vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu.

Giai đoạn 2016-2020, để góp phần nâng cao đời sống cho người hưởng lương, trên cơ sở định hướng thu, chi NSNN 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội dự kiến bố trí nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm. Căn cứ tình hình thực tế, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2017. Trong đó, giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng (tương đương tăng 7%), điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2017.

Quyết liệt tinh giản biên chế

GS Trần Xuân Cầu (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, sau 8 năm (từ năm 2008-2016), mức lương cơ sở tăng lên hơn 2,2 lần là một mức tăng không hề nhỏ so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phân tích sâu về sự thay đổi mức lương cơ sở trong 8 năm qua thì thấy rằng, nếu như trước năm 2013, năm nào cũng tăng lương tối thiểu, bình quân hơn 100 nghìn đồng/năm thì từ năm 2013-2016, chỉ tăng 60 nghìn đồng trong 3 năm, tương ứng mỗi năm chỉ tăng 20 nghìn đồng. Nếu so sánh về mặt hình ảnh thì đây là mức tăng quá ổn định, là rào cản rất lớn cho quá trình xây dựng một Chính phủ kiến tạo, vì dân phục vụ.

Nhìn từ góc độ cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách tiền lương có vai trò động lực thúc đẩy cải cách hành chính. Trong quan hệ với phòng chống tham nhũng, chính sách tiền lương thấp sẽ dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung, tham nhũng có nguyên nhân từ đây.

PGS.TS Trần Đình Thảo, Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực, Đại học Nội vụ Hà Nội phân tích, việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất cùng với việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép cho cả doanh nghiệp và NSNN, thu nhập của người lao động cũng chưa được cải thiện đáng kể. Theo ông Trần Đình Thảo, cách xác định mức lương tối thiểu bị phụ thuộc, hệ số trung bình quá thấp dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, lo tìm thu nhập ngoài tiền lương. Ở nhiều ngành nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp thì việc kiểm soát thu nhập ngoài tầm quản lý của Nhà nước. Tiền lương thấp cũng là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu” chất xám từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài.

Lấy nguồn nào để cải cách tiền lương trong bối cảnh ngân sách eo hẹp? Theo luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn Luật sư Hà Nội, trước hết cần quyết liệt tinh giản biên chế, trao cơ chế tự chủ mạnh hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, cũng cần sửa các luật về công chức, viên chức để không còn tình trạng “có lên không xuống, có vào không ra”, “ngồi không vẫn hưởng lương…”; đẩy mạnh quá trình tiền tệ hóa tiền lương theo hướng lấy hiệu quả làm thước đo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương phải đi đôi với hiệu quả hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.