Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gánh nặng chi phí vận tải

Hồng Sơn| 30/05/2017 06:06

(HNM) - Phải chịu chi phí vận tải cao so với khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh...


Hạ tầng giao thông yếu, chi phí vận tải cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.Ảnh: Tiến Thắng


Hạ tầng giao thông yếu, chi phí vận tải cao

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, chi phí cho dịch vụ logistics chậm cải thiện, trở thành vấn đề đáng lo ngại bởi làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ Cảng Hải Phòng về Hà Nội trên cung đường khoảng 100km, đắt hơn hẳn so với chi phí vận chuyển với khoảng cách tương tự ở các nước trong khu vực; lại càng không thể cạnh tranh với doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Chưa kể, chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, thời gian thông quan, phí dịch vụ cảng, phụ phí vận tải biển… nhìn chung vẫn cao hơn các nước khác.

Thực tế, vài tháng trước nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã bức xúc trước việc phải trả phí khá cao tại các trạm thu phí trên quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu bình quân xe khách không đạt 70% tổng số ghế ngồi thì coi như chạy xe không có thu nhập. Vì vậy, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gần như chỉ có xe con, xe cá nhân lưu thông, vắng bóng phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa, ảnh hưởng đến cả hoạt động của nhà đầu tư tuyến đường này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ví dụ, việc đặt các trạm thu phí giao thông gần nhau và mức thu khá cao làm tăng gánh nặng đối với doanh nghiệp. Công ty CP Dệt 10-10 phản ánh, việc tăng phí dịch vụ tại Cảng Hải Phòng đã khiến đơn vị phải trả thêm 500.000 đồng/container loại 40 feet, từ đó ước tính chi phí tăng thêm sẽ vào khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới đang phát triển loại hình vận tải đa phương thức, theo tiêu chuẩn hiện đại thì hạ tầng giao thông của Việt Nam nhìn chung vẫn yếu kém, thiếu đồng bộ, thiếu sự kết nối, hỗ trợ giữa các loại hình dịch vụ, vận tải. Tuy có bờ biển dài nhưng nước ta lại thiếu cảng quy mô lớn, làm đầu mối trung chuyển hàng hóa, đóng vai trò đầu tàu, từ đó phân phối hàng đi các địa điểm khác. Cùng với đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp phiền hà khi làm thủ tục thuế và hải quan trong xuất - nhập khẩu hàng hóa; chịu các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hành chính... Tất cả đã đẩy giá thành hàng hóa xuất - nhập khẩu của Việt Nam lên cao, khiến doanh nghiệp giảm khả năng cạnh tranh với đối thủ trên thị trường quốc tế.

Logistics đóng góp 8-10% GDP

Liên quan đến vấn đề chi phí, tại hội nghị với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, chi phí doanh nghiệp không chỉ liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., và cả các chi phí không chính thức, phí "bôi trơn". Đây cũng là cơ sở để Chính phủ định hình giải pháp, chương trình hành động đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí logistics, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công... Cùng với cam kết của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có những hành động cụ thể. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hải quan, bảo đảm quy trình công khai, minh bạch. Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục rà soát các trạm thu phí sử dụng đường bộ, giảm thời gian và mức phí...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua đã có 15 thông tư điều chỉnh việc thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT của 29 trạm, vượt 10 trạm so với chỉ tiêu Thủ tướng giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm không đồng ý với phương án giảm vì ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, trả lãi như đã ghi trong hợp đồng.

Đối với logistics, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh, với mục tiêu logistics sẽ đóng góp 8-10% GDP vào năm 2025, trong khi chi phí cho dịch vụ này sẽ giảm dần. Trước mắt, Việt Nam sẽ hình thành một số trung tâm lớn tại khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tiếp đến là những cửa khẩu hoặc trung tâm vùng miền, như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng...

Bức tranh dịch vụ logistics tương lai sẽ là sự kết hợp giữa công nghệ kho vận hiện đại, trình độ quản lý cao, đủ sức cạnh tranh trong khu vực; hướng tới tầm vóc, đẳng cấp quốc tế. Riêng Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống logistics cả nước thông qua xây dựng một trung tâm ở phía Bắc và một trung tâm ở phía Nam; trong đó có tính đến khả năng nâng cấp, mở rộng từng bước. TP Hồ Chí Minh và khu vực phụ cận cũng sẽ hình thành 2 trung tâm logistics. Các trung tâm sẽ được đầu tư thỏa đáng, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông để bảo đảm năng lực vận tải, đồng thời thu gọn đầu mối xử lý các loại thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, thông quan, phân phối hàng hóa trong và ngoài nước... Trong đó sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp dân doanh với các trung tâm này rất được quan tâm, khuyến khích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng chi phí vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.