Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ nông dân vượt khó

Sơn Tùng| 01/09/2017 07:19

(HNM) - Giá nông sản, thực phẩm trên thị trường thời gian qua xuống thấp, khó tiêu thụ khiến nhiều nông hộ đứng trước nguy cơ phá sản.

Hội Nông dân Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân qua các phiên giao dịch nông sản tại 33 Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội.


Đi đôi với hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng, quảng bá thương hiệu, Hội Nông dân thành phố chú trọng kênh hỗ trợ vốn để giúp nông dân vượt qua khó khăn. Hiện Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang quản lý hơn 535 tỷ đồng cho hơn 41.000 hộ nông dân vay vốn sản xuất. Hội Nông dân thành phố cũng nhận ủy thác, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi không cần thế chấp cho nông dân hơn 2.600 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT. Nhờ nguồn vốn này, nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả như: Trồng hoa, cây cảnh ở xã Hải Bối, chăn nuôi lợn thịt ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh), nuôi trồng thủy sản ở huyện Thanh Trì...

Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) Khuất Thị Hà chia sẻ: Giai đoạn 2011-2016, thông qua nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ đã có 155 hội viên nông dân phường được vay 1,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Vì vậy, nhiều hội viên đã có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, trong đó 26 hộ đã thoát nghèo.

Ngoài ra, với gần chục tỷ đồng nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT cũng giúp nông dân vùng ngoại thành ổn định sản xuất trong bối cảnh chăn nuôi liên tiếp gặp khó về giá suốt thời gian qua. Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì đánh giá cao vai trò của các cấp hội nông dân trong việc hỗ trợ hội viên về vốn, đầu ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản. Nhờ vậy, hiện đã có 50% sản lượng gà đồi của hội viên nông dân Ba Vì có đầu ra ổn định.

Tuy nhiên, việc liên kết hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản thời gian qua bộc lộ những hạn chế, phổ biến nhất là tình trạng phá hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích của nông dân, không quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi, mà chủ yếu chỉ lợi dụng thế độc quyền để ép giá. Ngược lại, không ít người dân không tôn trọng cam kết, sẵn sàng bán sản phẩm ra thị trường khi giá lên cao. Mặt khác, do tập quán canh tác riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực... Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ nông dân hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, đây là tỷ lệ còn thấp so với mong muốn nâng cao, mở rộng các mô hình sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trịnh Thế Khiết, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, giải pháp hàng đầu là chủ động triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các kênh tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách để tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.