Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào ngăn chặn xâm hại đê điều?

Kim Nhuệ| 13/12/2017 06:39

(HNM) - Mặc dù thành phố chỉ đạo khá quyết liệt nhưng số vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn Hà Nội không giảm. Để khắc phục tình trạng xâm hại công trình phòng, chống thiên tai rất cần xử lý dứt điểm vi phạm tồn đọng, ngăn chặn phát sinh vi phạm mới...

Công trình của Công ty cổ phần Chế tạo máy Hồng Hà (huyện Thường Tín) vi phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ sông Hồng.


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 182 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Các địa phương có số vụ vi phạm cao như huyện Ứng Hòa, với 31 vụ; Sóc Sơn 23 vụ, Thường Tín 16 vụ, Phú Xuyên 16 vụ… Loại hình vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê; tập kết vật liệu, đổ rác thải lên cơ đê… Bên cạnh đó, tại các quận, huyện, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Thường Tín, Đông Anh, Bắc Từ Liêm… có 94 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng thường xuyên có xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê làm lún, sụt, bong vỡ mặt của nhiều tuyến đê…

Thời gian qua, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã đề nghị các địa phương xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ngoài ra, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo, Sở NN&PTNT, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội ban hành 120 văn bản đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, đến ngày 10-12, các địa phương mới xử lý được 21 vụ vi phạm phát sinh trong năm 2017, còn tồn đọng 161 vụ; trong đó có 10 vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều năm gây bức xúc dư luận nhưng các quận, huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Tây Hồ, Long Biên… chưa xử lý.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật đê điều của một số tập thể, cá nhân chưa cao, còn tình trạng tái phạm. Mặt khác, do Luật Đê điều chưa đồng bộ với Luật Đất đai nên việc áp dụng các quy trình của Luật Đê điều vào việc xử lý vi phạm chưa phù hợp với Luật Đất đai. Hơn nữa, kinh phí xử lý, di dời các công trình nhà ở trong phạm vi đê điều, bãi sông chưa có nên không thể xử lý triệt để các vi phạm này.

Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm tồn đọng. Các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới. Các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng khu vực bãi sông; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật… Sở NN&PTNT cũng đề nghị các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải và Công an thành phố cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê kết hợp giao thông; kiên quyết đình chỉ các bến bãi hoạt động không có giấy phép, đe dọa an toàn công trình đê điều…

Về lâu dài, Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố; trong đó tập trung nhiệm vụ: Xác định cụ thể các khu vực công trình nhà ở phải di dời; cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê, chỉ giới thoát lũ... Bên cạnh đó, thành phố tăng cường đầu tư xây dựng đường hành lang chân đê, dốc lên đê; nâng cấp, gia cố mặt đê, tăng tải trọng thiết kế nhằm bảo đảm an toàn công trình... Một biện pháp quan trọng nữa là phải nâng cao nhận thức của nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành về bảo vệ công trình phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào ngăn chặn xâm hại đê điều?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.