Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội thêm 1,1% GDP cho Việt Nam

Minh Hiếu| 10/03/2018 07:55

(HNM) - Ngày 8-3 (rạng sáng 9-3, giờ Việt Nam), đại diện 11 quốc gia đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trở thành thành viên của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu biểu của thế kỷ XXI, với những giả định khiêm tốn, khi Hiệp định này có hiệu lực dự kiến góp phần tăng thêm 1,1% GDP của Việt Nam.

Bộ trưởng 11 quốc gia tham gia ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tại Chile. Ảnh: Reuters


CPTPP là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của các quốc gia nhằm truyền đi thông điệp mạnh mẽ về dòng chảy tất yếu của tự do hóa thương mại, nhất là từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận ban đầu là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, thỏa thuận không có Mỹ nay chiếm khoảng 14% GDP và 1/6 thương mại thế giới. Ước tính lợi ích ròng của CPTPP cho tất cả các thành viên từ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 0,3% GDP kết hợp (tương đương 37,3 tỷ USD). CPTPP không chỉ đề cập tới các vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế quan, hàng hóa, mở cửa thị trường, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật… mà còn tính tới các vấn đề phi truyền thống như lao động, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; đặt ra tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ và có tính ràng buộc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc Việt Nam tham gia CPTPP là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác. Các quốc gia thành viên nhận được không chỉ những lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại mà vấn đề cơ bản là hiệp định sẽ mang lại sự phát triển cho mỗi nước ở mọi khía cạnh cả về kinh tế, chính trị, xã hội.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc ký kết CPTPP khi sở hữu nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là dệt may, nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ… cùng thị trường lao động đầy tiềm năng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tuy mang lại lợi ích thấp hơn TPP do Mỹ là thị trường có quy mô lớn và là một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng CPTPP lại có tác động tích cực hơn tới mọi nhóm thu nhập. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng 4,2 - 5,3% trong khi năng suất lao động dự kiến tăng 6,9% - 7,6%. Các lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh là thực phẩm, nước giải khát, dệt may, đồ nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc… Sau khi có hiệu lực, với những giả định khiêm tốn, Hiệp định này dự kiến góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP của Việt Nam tính đến năm 2030.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và được kỳ vọng sẽ đạt những con số chưa từng có. Ngay trong khuôn khổ CPTPP, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn lớn nhờ tư cách thành viên của các thể chế kinh tế khu vực khác, như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Đặc biệt, 3 thành viên CPTPP là Nhật Bản, Singapore và Malaysia là những nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn FDI vào Việt Nam. Toàn bộ thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ theo lộ trình, kèm theo tự do hóa dịch vụ và đầu tư giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng xâm nhập thị trường lên tới 500 triệu dân, với nhiều đối tác tiềm năng như Canada, Australia, Mexico. Cùng với đó, người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi từ mặt hàng có chất lượng tốt hơn với giá cả hợp lý.

Tất nhiên, tham gia CPTPP, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không tránh khỏi những thách thức khi sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Những khó khăn này tạo ra sức ép buộc các nước phải thay đổi thể chế và quy định luật pháp, thương mại đầu tư, từ đó tạo động lực cho phát triển. Nhưng rõ ràng, tham gia CPTPP mở ra hàng loạt cơ hội không thể phủ nhận cho nền kinh tế Việt Nam - một trong những quốc gia Châu Á được đánh giá là có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Nỗ lực duy trì đàm phán và ký kết Hiệp định là cách Việt Nam thể hiện quyết tâm hội nhập mạnh mẽ để phát triển trong một cuộc chơi toàn cầu tiềm năng nhưng cũng đầy khó khăn.

Các dấu mốc quan trọng của CPTPP

Tháng 3-2010, Mỹ, Australia, Peru, Việt Nam và 4 nước của Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (P4) gồm Singapore, New Zealand, Chile, Brunei bắt đầu đàm phán tại Melbourn (Australia). Tháng 10-2010, Malaysia tham gia đàm phán; tháng 12-2012, Mexico, Canada tham gia; tháng 7-2013, Nhật Bản tham gia, nâng tổng số thành viên lên 12 quốc gia tham gia đàm phán. Đến tháng 2-2016, Bộ trưởng 12 nước TPP ký thỏa thuận chính thức tại Auckland (New Zealand).

Tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi TPP. Tháng 11-2017, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại TP Đà Nẵng (Việt Nam), các nước đạt thỏa thuận cơ bản, TPP đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên. Đến tháng 1-2018, 11 nước nhất trí về nội dung sửa đổi CPTPP và ngày 8-3-2018 (giờ địa phương), CPTPP chính thức được ký kết tại thủ đô Santiago (Chile).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội thêm 1,1% GDP cho Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.