Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động

Bạch Thanh| 26/03/2018 07:08

(HNM) - Bốn năm qua, Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân TP Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, việc làm thường xuyên, đề cao trách nhiệm của mỗi địa phương, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh...


Từ năm 2014 đến nay, đã có hàng trăm mô hình kinh tế của nông dân Hà Nội và các tỉnh được tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đáng chú ý, hoạt động trợ giúp nông dân xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được Hội Nông dân các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ. Theo đó, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nông sản, đặc sản của địa phương, như: Cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), vải Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), hải sản (tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ninh)… Qua chương trình phối hợp, hàng nghìn cơ sở cung cấp nông sản an toàn có nhãn hiệu hàng hóa, tem nhận biết, bao bì chứa đựng thực phẩm được trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng, siêu thị trên địa bàn Thủ đô.

Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cũng duy trì và thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp đăng tải hàng trăm bài tuyên truyền về các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất và bảo quản chế biến nông sản, cung cấp thông tin thị trường. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch nông sản và làng nghề, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tại trụ sở Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp giữa Hội Nông dân TP Hà Nội với các tỉnh còn một số hạn chế, cần sớm đổi mới theo hướng hỗ trợ nông dân về thị trường, quy hoạch sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho rằng: Trong hợp tác với Hà Nội, Phú Thọ rất cần thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản của Thủ đô, đồng thời có đầu mối để kết nối với các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho hay: "Hiện mối quan hệ nhà nông - doanh nghiệp vẫn đang gặp khó do trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn ít và yếu; hệ thống phân phối sản phẩm nông sản an toàn chưa rõ nét. Trong khi nông dân Thái Bình có nhiều tiềm năng về sản xuất nông sản, nhất là lúa gạo, rau màu, hải sản tươi sống,… Vì vậy, chúng tôi mong muốn Hội Nông dân TP Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp uy tín để trao đổi hàng hóa hai chiều, theo hướng thường xuyên, liên tục, căn cứ vào hợp đồng dài hạn...".

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Hội Nông dân TP Hà Nội với các tỉnh. Theo ông Thào Xuân Sùng, thời gian qua, có việc phải giải cứu nông sản (chuối, dưa hấu, thịt lợn, củ cải, su hào...) là do nhà nông sản xuất theo phong trào, chạy theo tín hiệu giá trong ngắn hạn. Mặt khác, do thiếu thông tin chính xác về thị trường và một số hạn chế trong quản lý quy hoạch sản xuất, tổ chức các chuỗi liên kết hợp tác theo ngành hàng ở các địa phương. Do đó, thông qua việc nắm bắt dư luận cũng như đời sống của nông dân, các cấp Hội Nông dân cần thường xuyên trao đổi thông tin để đề xuất các giải pháp phù hợp giúp đỡ nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.