Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết theo chuỗi để định hướng phát triển

Đỗ Minh| 04/04/2018 06:22

(HNM) - Bằng việc tổ chức các chương trình thiết thực như: Hội thảo, tham quan, hội chợ… ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ với các tỉnh, thành phố. Qua đó góp phần rất lớn trong việc định hướng phát triển nông nghiệp từng địa phương.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là thế mạnh của Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững

Nằm trong chương trình ký giao ước thi đua, vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội và đại diện Sở NN&PTNT 10 tỉnh, thành phố phía Bắc có các buổi làm việc về quản lý sản xuất, thiết lập thị trường, xây dựng mô hình liên kết chuỗi. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại: Hiện sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội mới cung ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy, hải sản; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% nhu cầu rau, củ, quả... Do đó, hằng năm Hà Nội phải nhập lượng lớn lương thực, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố khác và từ nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại thì việc hình thành địa chỉ uy tín, cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô được ngành Nông nghiệp rất chú trọng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho rằng: Nông nghiệp tỉnh Nam Định đang có sự chuyển dịch về cơ cấu, tăng chất lượng, sản lượng hàng hóa. Mỗi năm, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt 935.000 tấn, thủy sản 121.000 tấn, chăn nuôi 161.000 tấn, trong đó thịt lợn 140.000 tấn. Nguồn lương thực Nam Định sản xuất ngoài cung ứng đủ cho nhu cầu trên địa bàn vẫn còn dư thừa lượng lớn nên những năm qua, tỉnh đã cung cấp cho nhiều tỉnh, trong đó có Hà Nội. “Nhu cầu lương thực, thực phẩm của Hà Nội rất lớn, do đó, việc ký kết cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho Nam Định mà còn mang đến cho thị trường Hà Nội những nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng” - bà Hoàng Thị Tố Nga nhấn mạnh.

Ngoài Nam Định, nhiều tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam… đã liên kết cung ứng các sản phẩm cho Hà Nội. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng Đinh Công Toản cho biết, Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ lượng lớn thực phẩm an toàn. Thông qua các chương trình hợp tác, nhiều nông sản, thực phẩm của Hải Phòng đã đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Hình thành chuỗi cung ứng

Là một trong những nông dân tiêu biểu được Bộ NN&PTNT tuyên dương với mô hình trồng rau hữu cơ chất lượng bảo đảm, khu trồng rau của bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã trở thành điểm tham quan, học tập của nông dân các tỉnh trong nước. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng sau khi tham quan mô hình này, chia sẻ: Bắc Ninh mong muốn kết hợp với các hộ nông dân tiêu biểu để trao đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai mô hình trồng rau hữu cơ. Theo ông Hưởng, phần lớn rau và hoa được trồng tại các vùng nông nghiệp ven thành phố và khu công nghiệp - nơi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh khiến diện tích đất canh tác bị thu hẹp, trong khi đó, dân số ngày càng tăng cao, nhu cầu rau xanh và hoa tươi theo đó cũng tăng. Bởi vậy, chỉ có ứng dụng công nghệ cao mới đáp ứng nhu cầu về sản lượng và chất lượng. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là thế mạnh của Hà Nội, bởi đây là nơi tập trung đội ngũ các nhà khoa học; có tiềm lực phát triển. Tuy nhiên, các tỉnh liên kết cần lựa chọn thế mạnh và điều kiện phù hợp để hỗ trợ chứ không phát triển đồng loạt, tránh dư thừa sản phẩm, tạo những hệ lụy đáng tiếc như thời gian qua...

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, bằng sự liên kết với các tỉnh, thành phố, đến nay ngành Nông nghiệp Thủ đô xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, gồm: 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt. Trong đó có 7 chuỗi rau, thịt tại 6 cơ sở sản xuất và 11 điểm bán hàng được xác nhận sản phẩm an toàn; 18 hệ thống điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm an toàn thực phẩm; 4 mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa. Các chuỗi và cửa hàng thực phẩm sạch được sự hỗ trợ rất lớn từ việc kết nối, xúc tiến với các tỉnh, thành phố. Trong năm 2018, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố, năm 2018, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường; khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà khoa học ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Hà Nội tích cực tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, tạo môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên kết theo chuỗi để định hướng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.