Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Yêu cầu cấp thiết!

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 08/05/2018 06:52

(HNM) - Một trong những đề án sẽ được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) bàn và cho ý kiến là Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.


Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết

Tôi đồng tình với Dự thảo Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) về nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH. Bởi, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng ở nhiều nước và so sánh với các quốc gia có cùng mức tuổi thọ trung bình thì tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam thấp hơn nhiều.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Hiện nay, nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên, có thể thấy một phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình là 81,6 tuổi. Như vậy nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm. Nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ năm 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm (thậm chí ít hơn). Như vậy, đóng 30 năm để hưởng lương hưu 26 năm là điều không thể và hệ thống BHXH sẽ tồn tại như thế nào nếu tuổi nghỉ hưu không được điều chỉnh? Tôi đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình (người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi), như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.

Ông Cấn Đỗ Hiệp, 50 năm tuổi Đảng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai:
Nâng tỷ lệ bao phủ BHXH


Qua theo dõi cho thấy, hệ thống chính sách BHXH của Việt Nam hình thành tương đối đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chính sách BHXH cũng bộc lộ không ít hạn chế như: Diện bao phủ BHXH còn thấp; cơ cấu, tỷ lệ thanh toán của hệ thống BHXH cao hơn mức người lao động đóng dẫn đến nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH...

Được biết, Dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH được thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro, trong đó chú trọng việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH. Hy vọng với quyết tâm cải cách chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, những hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH sẽ cơ bản được khắc phục.

Bà Đặng Thị Thúy, Chi nhánh Công ty CP Dầu nhờn PV Oil miền Bắc:
Sửa đổi một số điều của Luật BHXH năm 2014 phù hợp với thực tiễn


Luật BHXH 2014, áp dụng từ ngày 1-1-2016 và một số điều khoản thi hành áp dụng kể từ ngày 1-1-2018 đã và đang phát sinh một số bất cập. Cụ thể là cách tính lương hưu. Nếu theo Điều 56, không ít lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 sẽ có tỷ lệ lương hưu thấp hơn 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Trong khi đó, lao động nam được tính theo lộ trình nên ít thiệt hơn. Theo tôi, điều này chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, gây tâm lý không tốt cho lao động nữ, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Điều 58 quy định trợ cấp một lần cũng gây thiệt thòi cho người lao động. Cụ thể, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu còn được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Theo tôi, mức trợ cấp này là quá thấp so với mức tiền đóng BHXH mà người lao động phải đóng. Ví dụ, mức lương được tính bình quân của người lao động để làm căn cứ trả lương hưu là 5 triệu đồng, vậy trợ cấp cho 1 năm dư chỉ là 2,5 triệu đồng khiến người lao động quá thiệt thòi. Trong khi đó, mức tiền người lao động phải đóng bảo hiểm cho 1 năm tương ứng 5.000.000 đồng x 25,5% x 12 tháng = 15.300.000 đồng. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ; nghiên cứu lại mức trợ cấp 1 lần khi thừa thời gian công tác đối với người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai:
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ đọng BHXH


BHXH Việt Nam đã thừa nhận, trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH; một số doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm khi khai báo lao động và tham gia BHXH cho người lao động. Đáng nói, hiện nay tỷ lệ nợ BHXH tại các doanh nghiệp ngày càng cao, điều này không những khiến nguồn thu của BHXH giảm sút, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người lao động như, đến tuổi về hưu nhưng chưa được chốt sổ để hưởng chế độ hưu; việc thực hiện chính sách thai sản, tử tuất cũng bị chậm…

BHXH là chính sách quan trọng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, do vậy để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chế độ, chính sách BHXH đến người lao động và chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tiếp tục cố tình nợ BHXH sẽ bị xem xét, xử lý trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: Yêu cầu cấp thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.