Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ghìm cương” lạm phát: Cách nào?

Hồng Sơn| 31/05/2018 07:16

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2018 tăng mạnh, xác lập mức tăng kỷ lục trong vòng 6 năm gần đây. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi có ý kiến nghi ngại về khả năng CPI có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh thời gian qua ảnh hưởng trực tiếp đến Chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh: Anh Tuấn


Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 5-2018 tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 1,61% so với tháng 12-2017; bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, so với tháng trước, có đến 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá. Riêng nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 1,72%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88% (do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ khiến nhiều hộ chăn nuôi phải ngừng nuôi). Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,34%; các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ.

Song, “thủ phạm” chủ yếu kích đẩy CPI tăng mạnh trong tháng 5-2018 chính là giá xăng dầu khi có 2 đợt tăng giá liên tiếp (mức tăng tổng cộng trên thực tế là hơn 1.000 đồng/lít), khiến chỉ số giá của nhóm giao thông tăng vọt.

Cũng cần xác nhận rằng, hơn 2/3 nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu của thị trường trong nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, vì vậy luôn phải nương theo diễn biến của thị trường quốc tế. Trong khi đó, sự lo ngại về vấn đề này vẫn chưa dừng, bởi giá dầu thế giới đang trong xu hướng tăng đều qua các tháng. CPI tăng đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống dân sinh, đặc biệt là đối với người sử dụng dịch vụ vận tải và nhu cầu sinh hoạt của từng gia đình.

Chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, trong tình hình hiện nay vẫn phải tìm các biện pháp căn cơ, phát hiện và tận dụng những dư địa còn lại để chặn đà, tiến tới khống chế lạm phát ở mức tối đa có thể. Cụ thể, phải làm tốt công tác quản lý trong quan hệ cung - cầu một cách thỏa đáng. Trong đó, lợi nhuận hiện nay vẫn “chảy” về các cơ sở phân phối, bán lẻ.

Ông Vũ Vinh Phú đơn cử, một cân dưa hấu bán tự do ngay trước Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội chỉ 5.000 đồng, nhưng tại siêu thị cách đó 500-700m đã tăng lên gấp 4 lần giá đó. Như vậy, phần lớn chi phí đã “rơi” vào khâu trung gian, sang tay “giữa đường” rồi mới đến địa chỉ cuối cùng và người trực tiếp sản xuất đến nay vẫn chịu thiệt thòi.

Hơn thế, người tiêu dùng là đối tượng chi trả toàn bộ chi phí đó nên CPI tăng là điều dễ hiểu. Thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ được giải quyết một cách triệt để. Đây là điều đáng tiếc vì hoạt động sản xuất mới là cái gốc. Các nước khác đều tuân thủ nguyên tắc này, nếu cơ quan quản lý có tác động, căn chỉnh kịp thời mới có thể "kéo" giá của phần lớn hàng hóa trên thị trường xuống.

Kiểm soát CPI dưới mức 4%

Theo Bộ Tài chính, việc CPI tăng chủ yếu do nguyên nhân từ yếu tố thị trường thuần túy, không có tác động, yếu tố nào xuất phát từ công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, các cấp, các địa phương cần lưu ý một số yếu tố có thể gây sức ép, đẩy CPI tăng như khả năng thiên tai, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, điều chỉnh lương từ đầu tháng 7-2018, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, liên bộ Tài chính - Công Thương cần sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời các bộ nên lưu ý việc quyết định thời điểm điều chỉnh giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách hợp lý, tránh hiệu ứng dây chuyền không đáng có.

Ngày 29-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, công tác phối hợp điều hành giá của các bộ mang lại kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm, giúp chỉ số CPI tăng đúng theo kịch bản mà Ban Chỉ đạo đã đưa ra từ đầu năm.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo nhận định: “Hoàn toàn có khả năng kiểm soát CPI dưới mức 4% của năm 2018”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG ngày 30-3-2018.

Riêng đối với nhiệm vụ bình ổn giá của tháng 6-2018, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương truyền thông đầy đủ, kịp thời về tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả các mặt hàng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng trong những tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ghìm cương” lạm phát: Cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.