Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần biện pháp mạnh

Thu Hằng| 06/06/2018 06:46

(HNM) - Hệ thống đê điều tại Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ sông Hồng và các dòng sông khác trên địa bàn, bảo vệ Thủ đô khi có tình huống thiên tai, bão, lũ xảy ra. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ nên những năm gần đây, chất lượng đê của Hà Nội không đồng đều.

Mặt đường đê bị xuống cấp nghiêm trọng


Thiếu kiên quyết trong xử lý

Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT gửi Ban An toàn giao thông thành phố khẳng định: Hiện nay, tình hình xe quá tải hoạt động trên một số tuyến đường đê, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống diễn biến phức tạp. Các tuyến đê xảy ra nhiều vi phạm nhất là đê sông Hồng qua địa phận quận Bắc Từ Liêm (K47+980 - K55 hữu Hồng), huyện Thường Tín (K85+689 - K101+689 hữu Hồng), huyện Phú Xuyên (K101+689 - K117+900 hữu Hồng), huyện Ba Vì (K0 - K26+600 hữu Hồng), huyện Đông Anh (K48+164 - K63 tả Hồng), đê sông Đuống qua địa phận huyện Gia Lâm… Ngoài ra, khu vực tập trung nhiều làng nghề ven đê tả Đáy thuộc địa phận huyện Hoài Đức, đê hữu Hồng qua địa phận huyện Đan Phượng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng xe quá tải hoạt động ngày đêm khiến cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.

Một trong những nguyên nhân khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay là do việc xử lý xe quá tải lưu thông của các cơ quan chức năng từ thành phố đến cơ sở chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) nêu ví dụ, thời gian qua, trên địa bàn huyện Ba Vì thường xuyên xảy ra tình trạng xe quá tải chạy trên tuyến đê hữu Hồng, khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng. Nặng nhất phải kể đến 1.050m mặt đê qua địa bàn xã Tản Hồng (tương ứng K12+350 - K13+400) với nhiều “ổ gà”, “ổ trâu” gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, đồng thời ảnh hưởng đến sự an toàn của tuyến đê. Trước thực trạng trên và thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2016, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão đã lắp đặt 9 vị trí mố ngăn chặn xe quá tải trên tuyến đê hữu Hồng qua huyện Ba Vì, đồng thời có nhiều văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chỉ đạo ngăn chặn, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp xe quá tải lưu thông trên đê theo quy định. Tuy nhiên đến nay, tình trạng xe quá tải đi lại trên đê hữu Hồng qua địa bàn huyện Ba Vì vẫn tái diễn, khiến mặt đê ngày càng xuống cấp...

Tương tự, trước thực trạng đê hữu Hồng đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên; đê tả Hồng qua địa phận huyện Đông Anh, Mê Linh bị xe quá tải “phá nát”, trong năm 2017 Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã nhiều lần gửi công văn tới các cơ quan chức năng của thành phố, các huyện liên quan, đồng thời chỉ đạo các Hạt quản lý đê: Thường Tín, Phú Xuyên, Số 4 (Đông Anh), Mê Linh thường xuyên phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông - Vận tải, Cảnh sát giao thông ngăn chặn tình trạng xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê. Song, đến nay tình trạng xe quá tải hoạt động trên đê vẫn diễn ra phổ biến, có chiều hướng phức tạp, mặc dù trong quá trình kiểm tra dọc các tuyến đê, cán bộ, kiểm soát viên đê điều của Hạt quản lý đê các quận, huyện đã phát hiện, chụp ảnh xe quá tải đi trên đê gửi các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vận tải tái phạm


Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng xe quá tải đi trên đê, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp xe quá tải đi trên các tuyến đê; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát trọng tải phương tiện giao thông; chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đê điều, quy định về tải trọng cho phép của xe đi trên đê, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như sử dụng xe cơ giới hoạt động trên đê để biết và thực hiện.

Còn về phía Thanh tra Giao thông - Vận tải, ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, trước mắt Thanh tra Giao thông -Vận tải Hà Nội sẽ triển khai ngay các giải pháp như: Phối hợp chính quyền địa phương rà soát, cắm bổ sung, điều chỉnh các biển báo hiệu giao thông đường bộ, biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đường giao thông công cộng nói chung và các tuyến đê nói riêng để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm tải trọng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đối với những đơn vị vận tải có số lượng phương tiện vi phạm và tái phạm nhiều lần. “Thông qua kết quả tổng hợp lỗi vi phạm của các đơn vị vận tải, chúng tôi sẽ thu hồi phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, xử lý trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp” - ông Tiến nêu rõ.

Trước thực trạng xe quá tải hoạt động gây ảnh hưởng đến sự an toàn của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội, đã đến lúc các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương không thể chần chừ, sớm áp dụng biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.