Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãng phí nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ

Ngọc Quỳnh| 02/07/2018 09:40

(HNM) - Hiện nay, nước ta có nguồn phụ phẩm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ tương đối lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này đang bị lãng phí do công nghệ làm phân bón hữu cơ trong nước còn lạc hậu và thói quen sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại…

Theo ông Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm, nước ta sử dụng 10 triệu tấn phân vô cơ các loại, mỗi héc ta chịu gần một tấn phân bón vô cơ và 130 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ trong nước tương đối dồi dào đang bị vứt bỏ, rất lãng phí…

Phân bón hữu cơ


Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 50% lượng rơm rạ, 43% thân lá ngô, 32% ngọn và bã mía bị người dân đốt bỏ. Ngoài ra, trong 5,6 triệu hộ chăn nuôi có tới 37,3% số hộ chưa áp dụng biện pháp xử lý chất thải nào mà xả trực tiếp ra môi trường và chỉ có 6,15% số hộ ủ phân hữu cơ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến sản xuất phân bón hữu cơ bởi e ngại rủi ro về nguồn nguyên liệu, thị trường…

Ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, mỗi năm Việt Nam có hơn 84 triệu tấn chất thải chăn nuôi, khoảng 80 triệu tấn chất thải trồng trọt từ sản xuất lúa, ngô, đậu tương, mía đường... Nếu tận dụng được 60% để sản xuất phân bón hữu cơ thì mỗi năm Việt Nam có từ 55 đến 60 triệu tấn phân ủ, so với nhu cầu sử dụng từ 110 đến 130 triệu tấn/năm thì mới đáp ứng được 50%. Tuy nhiên, việc quản lý và chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp còn hạn chế, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu…

Hiện nay, ngành công nghiệp phân bón mới sản xuất được khoảng hơn một triệu tấn phân hữu cơ, chủ yếu từ nguồn than bùn, chất lượng thấp. Để phân bón hữu cơ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các nhà quản lý và người dân cần nhận thức rõ phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi là nguồn tài nguyên thay vì coi là chất thải như hiện nay; cần xử lý trước khi xả ra môi trường. Bộ NN&PTNT cho phép các công ty, cá nhân, cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ có đăng ký được phép tự sản xuất phân bón hữu cơ theo quy định và các cơ quan chức năng phải kiểm tra nghiêm ngặt quá trình sản xuất kinh doanh phân bón trên thị trường nhằm tránh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng phân bón hữu cơ, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Ông Ngô Chí Thắng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải - Công ty cổ phần Nước môi trường Bình Dương chia sẻ, hiện công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón từ chất thải sinh hoạt có công suất 840 tấn/ngày. Sản phẩm mùn hữu cơ của nhà máy được sử dụng làm nguồn nguyên liệu chính để sản xuất các loại sản phẩm phân bón hữu cơ khác nhau. Để khuyến khích ngành sản xuất phân bón hữu cơ phát triển mạnh với giá thấp, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất phân bón hữu cơ, như: Ưu đãi trong thuê mặt bằng xử lý nguyên liệu và sản xuất phân bón, hỗ trợ đăng ký sản phẩm và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thay vì than bùn như hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.