Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Chốt" thời hạn hoàn thiện dự thảo nghị định về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

Dạ Khánh| 12/07/2018 21:15

(HNMO) - Sáng nay 12-7, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 11 bộ ngành, cơ quan để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...


Theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ, nhằm cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có, để ngày 31-10-2018 là thời hạn Chính phủ ban hành đủ các nghị định mới. Tuy nhiên, theo báo cáo, tính đến hết quý II-2018, mới có 738 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng trên 13%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành còn chậm chuyển biến. Những bất cập về kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, vẫn còn chậm trễ triển khai các giải pháp cụ thể để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại các bộ, ngành, cơ quan quản lý. Hiện mới có Bộ Công Thương có nghị định và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình dự thảo nghị định; còn các bộ, ngành khác đang xây dựng hoặc chưa xây dựng.

Tại buổi làm việc, Tổ công tác đã nghe đại diện các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... báo cáo những kết quả trong triển khai công tác cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, nêu một số công việc dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.

Liên quan đến cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tổng số sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đang chịu quản lý của bộ là 578 sản phẩm, trong đó 571 sản phẩm có mã hồ sơ. Dự kiến, còn lại 7 sản phẩm chưa có mã hồ sơ sẽ được loại bỏ ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành. Thời gian tới, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thay thế các quy định hiện hành để triển khai Nghị định 15 (dự kiến hoàn thành trong quý IV-2018). Việc ban hành thông tư mới này, có 396 sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý, dự kiến cắt giảm trên 90% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục hải quan; đồng thời, tiếp tục cắt giảm tỷ lệ 5% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương theo Nghị quyết 19.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thực hiện các yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, một số bộ, ngành đã có hành động cụ thể. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, kết quả thực tế của các hành động này vẫn chưa được như mong đợi. "Cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành... Mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4" - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh quá trình thực hiện, rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi những quy định chồng chéo, không hợp lý về điều kiện kinh doanh, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng xây dựng một Nghị định sửa đổi nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo và trình Chính phủ trước ngày 15-8.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Chốt" thời hạn hoàn thiện dự thảo nghị định về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.