Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề chuyển mình hội nhập

Bạch Thanh| 22/07/2018 07:55

(HNM) - Với việc điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có thêm nhiều nguồn lực phát triển, trong đó phải kể đến sức mạnh của nguồn “tài nguyên” đặc sắc từ các làng nghề truyền thống.

Sản xuất hàng cỏ tế tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Bá Hoạt


Doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng/năm

Vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng cộng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 297 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận. Mỗi làng nghề có nét độc đáo riêng với đa dạng sản phẩm, mẫu mã. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội đã được xuất khẩu như: Gốm Bát Tràng, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)…

Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch; trong đó hai cơ sở tiên phong là làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng. Hằng năm, thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... UBND thành phố cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe…

Nhờ những chính sách ưu tiên, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng doanh thu của 297 làng nghề truyền thống và các làng có nghề ở thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao, điển hình như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng, làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đạt 1.209 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả khả quan, làng nghề Hà Nội còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó phải kể đến vốn đầu tư công nghệ, mở rộng mặt bằng; thiếu lực lượng lao động chất lượng cao; ô nhiễm môi trường... Theo Chủ tịch UBND xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) Bùi Hồng Luyến trăn trở về cơ sở hạ tầng như: Bãi đỗ xe, nhà lưu niệm, nguồn nguyên liệu mây, tre, giang đan ngày càng cạn kiệt... đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển du lịch của làng nghề cỏ tế Phú Túc...

Phát triển thành điểm du lịch đáng nhớ

Tiến sĩ Đặng Mai Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội nhận định: Để các làng nghề của Thủ đô phát triển đúng hướng, bền vững, đặc biệt là gắn với du lịch, đòi hỏi người làm nghề không chỉ đổi mới sản phẩm, tạo ra sản phẩm độc đáo mà còn phải có kỹ năng tham gia trực tiếp vào việc xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm của mình một cách thân thiện, chuyên nghiệp.

Trên thực tế, ngoài các chính sách ưu đãi, thành phố đã giao các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi nhất để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Đặc biệt, theo quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, UBND thành phố đã thực hiện thí điểm dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc làm cơ sở nhân rộng đối với các làng nghề truyền thống tiêu biểu khác.

Hiện nay, tại làng gốm Bát Tràng, các sản phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đến đây, du khách được trải nghiệm một số công đoạn sản xuất sản phẩm. Từ đầu năm 2016, Bát Tràng đã có xe điện đưa du khách tham quan; đầu năm 2017, xuất hiện hình thức homestay tại làng nghề. "Ngoài sản xuất làng nghề, Bát Tràng đã linh hoạt khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử từ các di tích văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hoặc tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút du khách trong, ngoài nước", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển gốm Bát Tràng khẳng định.

Còn theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Nguyễn Văn Thủy, phường đã xây dựng được bộ phận hỗ trợ du khách, thuyết minh viên, thiết lập đường dây nóng, bảo đảm vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan... để phát triển du lịch làng nghề Vạn Phúc. Nhờ vậy, những năm qua, mỗi năm, địa phương thu hút 4.000 đến 5.000 lượt khách trong nước, hơn 3.000 lượt khách quốc tế tới tham quan, mua sắm...

Để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, chính quyền các địa phương cần tham gia sâu hơn nữa công tác phát triển du lịch; có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch. Những làng nghề được tham gia thí điểm mô hình đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống bãi đỗ xe, khu ẩm thực, giao thông nội bộ, khu thương mại giới thiệu sản phẩm, khu sản xuất, khu bảo tồn, nhà truyền thống, đến việc bảo vệ môi trường.

Như vậy, với sự chú trọng đầu tư cả về nhân lực, vật lực cùng với tiềm năng, lợi thế, làng nghề Hà Nội đã và sẽ trở thành những điểm đến đáng nhớ trong bản đồ du lịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề chuyển mình hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.