Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 25/07/2018 07:06

(HNM) - Trước yêu cầu phát triển nền kinh tế nông nghiệp Thủ đô theo hướng chuyên canh, hàng hóa, quản lý chặt chẽ nguồn đầu tư công…, việc đổi mới công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi là nhiệm vụ tất yếu. Triển khai nhiệm vụ này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Việc xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa (quận Hà Đông) có ý nghĩa quan trọng đối với công tác tiêu úng, chống ngập khu vực phía Tây Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Theo quy định phân cấp trước đây, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố có nhiệm vụ điều tiết nước từ các công trình đầu mối đến hết kênh cấp 2. Hằng năm, ngân sách thành phố bố trí kinh phí tu bổ, nạo vét, sửa chữa thường xuyên, nâng cấp, xây dựng mới công trình trong phạm vi 5 doanh nghiệp thủy lợi quản lý. Còn đối với các xã, hợp tác xã chịu trách nhiệm quản lý, điều tiết nước tưới từ kênh cấp 3 tới mặt ruộng. Xã viên, nông dân chịu trách nhiệm đóng góp kinh phí nạo vét, cải tạo nâng cấp các công trình dẫn nước trong phạm vi địa phương quản lý.

Tuy nhiên, việc phân cấp như trên đã dẫn đến nhiều bất cập: Phần lớn công trình thủy lợi do cấp cơ sở đầu tư, sửa chữa, duy trì không có tài liệu về hồ sơ thiết kế, công suất, dung tích trữ nước… Mặt khác, do các công trình này được xây dựng từ lâu, nhiều lần thay đổi người quản lý nên diện tích tự kê khai chưa đúng và có sự chồng chéo diện tích tưới, tiêu giữa các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố với địa phương. Thực tế này còn gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm quản lý chất lượng, huy động nguồn lực đầu tư xây mới, cải tạo công trình thủy lợi nội đồng...

Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thủy lợi, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 19-9-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 41/QĐ-UBND về phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, các địa phương đã bàn giao công trình cho 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố quản lý, khai thác. Hiện nay, TP Hà Nội chỉ còn duy nhất một mô hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thực hiện phương thức đặt hàng cung cấp dịch vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Nhờ đó, tình trạng tranh chấp diện tích tưới, tiêu đã chấm dứt; trách nhiệm của các doanh nghiệp thủy lợi được nâng cao; kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ thủy lợi nội đồng đã được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả...

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện quyết định phân cấp của thành phố đã phát sinh một số bất cập. Theo phản ánh của các huyện, thị xã như: Sơn Tây, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn…, chất lượng cung cấp dịch vụ thủy lợi còn chậm so với yêu cầu sản xuất; nguồn nước cấp cho các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn chưa bảo đảm chất lượng… Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích cho biết: Sau khi bàn giao, công ty gặp một số khó khăn, ảnh hưởng không ít đến chất lượng phục vụ tưới, tiêu như: Số lượng công trình mới tiếp nhận lớn hơn nhiều so với nhân lực hiện có của đơn vị; tình trạng xả rác, lấn chiếm kênh, mương thường xuyên xảy ra gây ách tắc dòng chảy; nhiều công trình nhận bàn giao đã xuống cấp nhưng chưa kịp thời sửa chữa, cải tạo; chất lượng điện ở một số trạm bơm không bảo đảm; một số địa phương chưa thay đổi tập quán gieo cấy khiến việc cấp nước gặp khó khăn...

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phục vụ của các doanh nghiệp thủy lợi, theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất thành phố cơ chế khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số loại cây trồng chủ lực, chất lượng cao. Đặc biệt là đổi mới phương thức sản xuất, cung cấp dịch vụ thủy lợi theo hướng tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quản lý, khai thác công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.