Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Hồng Sơn| 10/08/2018 07:02

(HNM) - Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế nước ta trong hơn nửa đầu năm 2018 đã có những kết quả khả quan...

Từ đầu năm 2018 đến nay có 738 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi, hoặc đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Nhật Nam


Tiếp tục chuyển biến tích cực

Các cơ quan chức năng đã nghiên cứu, đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7% hoặc 6,8%. Thực tế diễn biến trong 6 tháng qua với tốc độ tăng trưởng chung là 7,08% - cao nhất trong 10 năm qua là kết quả đáng ghi nhận. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và cán cân vĩ mô được bảo đảm. Khu vực kinh tế trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đều đang phát triển tốt; kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới đăng ký đạt 20,33 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP Việt Nam năm 2018 có thể tăng 6,6%. Đây là sự đánh giá khá dè dặt, nhưng không quá cách biệt so với dự kiến nói trên của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Mới đây nhất, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 lên 7%, cao hơn mức do chính cơ quan này đưa ra trước đây là 6,8%. Điều này thể hiện góc nhìn lạc quan của một trong những định chế tài chính chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Tổ chức này nhấn mạnh, hai lĩnh vực là sản xuất công nghiệp và xây dựng sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế, trực tiếp kích đẩy tốc độ tăng trưởng bên cạnh sự vươn lên của khu vực nông nghiệp...

Đặc biệt, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa tái công bố dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,1% sau khi đã dự báo như vậy ở thời điểm đầu năm nay. Như vậy, những đánh giá, dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế cũng tương đối đồng nhất với mục tiêu kế hoạch của Việt Nam đưa ra từ đầu năm.

Kiên trì mục tiêu tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm nay có một đặc điểm mới là GDP có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua từng quý và đó là một yếu tố bất lợi, cần có biện pháp ứng phó. Nói cách khác, mức tăng trưởng của các quý sẽ phải bù đắp cho nhau để bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung của cả năm đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ chủ động theo dõi tình hình, đôn đốc toàn hệ thống, bộ máy quản lý nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm phục vụ doanh nghiệp tối đa để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng. Chính phủ cũng yêu cầu các ngành đẩy nhanh tốc độ rà soát, kịp thời phát hiện những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp ký để kiên quyết bãi bỏ.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay đã có 738 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi, hoặc đơn giản hóa. Tính trung bình, số điều kiện kinh doanh được đề nghị bãi bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó riêng số điều kiện đề nghị bãi bỏ chiếm 36%.

Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để chủ động hơn nữa trong hoạt động xuất khẩu để tránh thiệt hại trước mối đe dọa bị cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc (do một lượng hàng lớn của họ bị tồn đọng không xuất khẩu được sang Mỹ, vì vậy phải xuất khẩu vào các thị trường khác).

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung cơ hội thuận lợi về thị trường để tăng cường sản xuất, hướng mạnh về xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã và chất lượng của sản phẩm (nhất là với hàng nông - thủy sản xuất khẩu), hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất sạch, tăng tỷ lệ chế biến, tìm thị trường tiêu thụ... Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương có hoạt động đánh bắt hải sản ở miền Trung và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong việc khắc phục triệt để các tồn tại, hướng tới mục tiêu là được EU gỡ bỏ thẻ vàng với thủy sản xuất khẩu.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, mỗi bộ, cơ quan chức năng cần thường xuyên, tự giác thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tinh thần cao nhất. Qua đó, cần liên tục rà soát để tìm ra những điều kiện, quy định bất hợp lý là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh để tháo gỡ, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những biện pháp nói trên, nền kinh tế nước ta hoàn toàn bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch năm 2018, hướng tới thực hiện vượt mức đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.