Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam cần phát triển thị trường vốn dài hạn

Theo Chinhphu.vn| 22/08/2018 06:30

Sáng 21-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính với chủ đề

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam - ViEF 2018. Ảnh: Thành Chung


Phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là một trong những chủ đề được Chính phủ rất quan tâm và đề nghị các chuyên gia tài chính đánh giá kỹ các chủ thể tham gia thị trường này, nhất là các chủ thể kinh tế trong nước.

Phó Thủ tướng nêu vấn đề: “Tình trạng quan tâm hiện nay là doanh nghiệp có vốn mỏng. Tổng cục Thống kê công bố số liệu vào cuối năm 2016 thì chỉ có 47% doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận (mặc dù tỷ lệ này cao hơn mức 30% của giai đoạn 5 năm trước đó) và 53% doanh nghiệp không có lợi nhuận. Phải chăng là do vốn mỏng làm lợi nhuận kém? Nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án mà vốn chủ sở hữu thấp, chi phí tài chính rất cao cùng với các chi phí tiếp cận, logistics… Kể cả các ngân hàng thương mại cung ứng vốn”.

Ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam thiếu vốn dài hạn. “Khi nói đến vốn dài hạn là nói tới các khoản vay thế chấp trong thời gian 30-40 năm. Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được các khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân, một công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp”, ông MacCana nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các chuyên gia kinh tế và nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đa dạng nguồn vốn là gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn - tài chính và thị trường tiền tệ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng tán thành quan điểm cho rằng tái cấu trúc thị trường tài chính gắn liền với ứng dụng các thành quả của kinh tế số, ưu tiên xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của nền kinh tế số trước khi xây dựng khung khổ quản lý; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính vi mô, cho thuê tài chính,...

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xóa bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Coi chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thông điệp của Chính phủ là kiên trì, kiên quyết xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam lành mạnh, ổn định, sớm được công nhận là thị trường chứng khoán mới nổi vào năm 2020 để huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án để thực hiện lộ trình này.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và đưa vào giao dịch ở thị trường trái phiếu bình thường để tăng tính thanh khoản.

Lãnh đạo Chính phủ cũng bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng cần tạo dựng môi trường minh bạch, công khai trong thực thi chính sách, tăng cường giám sát nội địa, năng lực của hệ thống công cụ tư vấn như thuế, kiểm toán,…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần phát triển thị trường vốn dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.