Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch

Ánh Dương| 05/09/2018 06:33

(HNM) - Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp

Nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) thu hoạch chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.


Từ những mô hình điểm...

TP Hà Nội là một trong những địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong đó có nhiều mô hình sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Điển hình là mô hình sản xuất gạo hữu cơ tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) - địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ khi được tiếp cận Dự án PAMCI của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mô hình sử dụng 100% phân bón hữu cơ, nguồn nước tưới sông Bùi và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ trên cây lúa, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn xây dựng thành công nhiều mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không: Phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, biến đổi gen, kích thích sinh trưởng, thuốc bảo quản). Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cho biết: Năm 2015, hợp tác xã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ triển khai mô hình trồng rau bón phân hữu cơ; và từ năm 2016 đến nay, hợp tác xã khuyến khích các xã viên sử dụng phân bón hữu cơ, phân lợn, gà ủ hoai mục, phân đa vi lượng trên vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10ha.

Còn tại vùng trồng rau an toàn thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) với tổng diện tích 62ha, trong đó có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân chủ yếu sử dụng phân vi sinh, phân gà, lợn ủ hoai mục.

Không chỉ Hà Nội, cả nước cũng đã có nhiều mô hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả, được đánh giá cao, trở thành mô hình điểm của ngành Nông nghiệp. Đơn cử, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người nông dân) sản xuất lúa gạo hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế tại tỉnh Trà Vinh; mô hình sản xuất và sử dụng chất thải chăn nuôi dạng lỏng làm phân hữu cơ ở quy mô nông hộ đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và cây rau màu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Nguyên...

... đến nỗ lực nhân rộng

Mặc dù những lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định, song đến nay tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học vẫn chiếm khá cao, hơn 90%. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn, việc sử dụng phân bón hóa học đã trở thành tập quán canh tác cố hữu của nông dân Việt Nam. Việc lạm dụng phân bón hóa học đã gây nên tình trạng đất bị bạc màu, thoái hóa, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản…

Bên cạnh đó, số lượng các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ cũng rất hạn chế. Trong khi nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ ở Việt Nam khá lớn, cả nước hiện có khoảng 10 triệu héc ta đất canh tác, hơn 20 triệu héc ta lượt đất canh tác, trong đó có khoảng 43.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhưng hiện mới có 180 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất phân bón hữu cơ với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm, chỉ bằng gần 1/10 công suất sản xuất phân bón hóa học. Đáng nói, nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú, bao gồm chất thải chăn nuôi (khoảng 85 triệu tấn phân trâu, bò, lợn, gia cầm/năm), các phụ phẩm trồng trọt… Song đến nay, chỉ có khoảng 20% nguồn nguyên liệu này được khai thác, sử dụng hiệu quả vào mục đích làm khí sinh học, thức ăn cho cá, phân bón hữu cơ.

Từ thực tế của địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, trước tiên cần tuyên truyền để nông dân hiểu tác hại của phân bón hóa học đối với môi trường, với sức khỏe của chính người dân cũng như nguồn nông sản được tạo ra. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở những lớp tập huấn, trao đổi để nông dân nhận thức và chuyển hướng sang mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc phát triển phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp quan trọng, là tiền đề để Việt Nam từng bước hình thành nền sản xuất nông sản có chất lượng, giá trị cao hơn. Bộ trưởng cho biết, để khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, ngày 20-9-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/ NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, nhằm phục hồi hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hóa học và bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nông sản. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi tư tưởng, nhận thức, thói quen của người dân về sử dụng phân bón hữu cơ, từ đó hướng đến nền sản xuất nông nghiệp "xanh, sạch, an toàn, bền vững"...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.