Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hồi nợ đọng thuế: Sẽ có biện pháp “mạnh tay” hơn

Đức Anh| 10/09/2018 06:16

(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã thu hồi khoảng 18.000 tỷ đồng nợ thuế. Đây là kết quả từ việc tăng cường các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định.

Hướng dẫn người dân thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng

Xác định việc xử lý nợ đọng thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngành Thuế đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, ngay từ đầu năm, Tổng cục đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân. Tổng cục cũng chỉ đạo các đơn vị áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình. Báo cáo của các cục thuế địa phương cho thấy, toàn ngành đã đôn đốc, thu hồi 17.944 tỷ đồng nợ thuế, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là khoảng 12.633 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế là 5.311 tỷ đồng…

Tại Cục Thuế TP Hà Nội, ngay từ những ngày đầu năm, đơn vị đã cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn thành phố, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ đôn đốc thu hồi nợ thuế. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã quyết liệt thực hiện các biện pháp đôn đốc cưỡng chế và thu hồi nợ thuế, bao gồm cả tiền chậm nộp theo đúng quy định.

Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không để phát sinh nợ mới, đặc biệt là nợ dưới 90 ngày và giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cán bộ công chức thuế. Cục cũng chú trọng và tăng cường sự phối hợp để phân loại các khoản nợ, thực hiện điều chỉnh các khoản nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh, các khoản nợ sai và nợ ảo; thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế để từ đó đưa ra giải pháp thu hồi phù hợp.

Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, lắng nghe, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, qua đó giúp khơi thông dòng tiền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đối với những vướng mắc, kiến nghị của người nộp thuế không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế, đơn vị đã tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Tính từ đầu năm đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã đăng công khai trên website có địa chỉ: http://hanoi.gdt.gov.vn danh sách 1.021 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất, với tổng số tiền nợ là hơn 3.960 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 273 doanh nghiệp và dự án nộp hơn 97 tỷ đồng. Riêng trong tháng 8, Cục Thuế công khai danh sách 272 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất, với số nợ hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong số đó, có 12 doanh nghiệp nợ gần 73 tỷ đồng tiền thuê đất; còn 260 doanh nghiệp nợ thuế, phí đăng công khai đợt này có 156 doanh nghiệp nợ thuế đã đăng công khai từ các năm trước (2015, 2016 và 2017). Tuy nhiên do số nợ của các doanh nghiệp này lớn, nên Cục Thuế tiếp tục công khai lại đối với các đơn vị này trong năm 2018.

Đẩy mạnh cưỡng chế thu hồi nợ

Các doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Ảnh: Nhật Nam


Mặc dù số thuế nợ đọng đã được thu hồi, nộp ngân sách nhà nước trong những thời gian qua khá lớn, song công tác thu hồi nợ thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất không chỉ là công việc của riêng ngành Thuế.

Theo ông Mai Sơn, Cục Thuế TP Hà Nội định kỳ phối hợp với các cơ quan báo chí đăng công khai danh sách các đơn vị nợ thuế, phí và các khoản thu liên quan đến đất trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của Cục Thuế. Với sự nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp của cơ quan thuế và sự phục hồi của nền kinh tế, các chủ dự án, doanh nghiệp sẽ có ý thức chủ động thu xếp nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước trước khi bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ quyết liệt hơn.

Không chỉ ở Hà Nội, việc thu hồi nợ đọng thuế cũng sẽ được toàn ngành Thuế khẩn trương triển khai trong những tháng cuối năm 2018. Từ nay đến cuối năm, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, đặc biệt là các biện pháp quản lý nợ đã đề ra từ đầu năm, phấn đấu tổng số tiền thuế nợ đến thời điểm 31-12-2018 sẽ không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018 và giảm về số tuyệt đối so với thời điểm cuối năm 2017.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, để bảo đảm thu số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số thuế nợ đọng, hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được cấp có thẩm quyền đã giao, Tổng cục vừa có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện ngay biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp thuộc các đối tượng phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo sau khi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế, nhưng chưa thu được, hoặc chưa thu đủ tiền thuế nợ, theo danh sách doanh nghiệp đã được Tổng cục giao từ đầu năm 2018. Bên cạnh đó, giao các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động tham mưu với UBND cùng cấp, chỉ đạo các ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nợ thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tính tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, qua đó làm giảm nợ cũ và không để nợ thuế mới phát sinh thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi nợ đọng thuế: Sẽ có biện pháp “mạnh tay” hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.