Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn

Ngọc Quỳnh| 05/10/2018 07:33

(HNM) - Theo ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Bắc Giang, vừa qua, Chính phủ đã nâng mức hỗ trợ cho vay của người dân lên 200 triệu đồng, không cần thế chấp.

Về cơ bản, đây là chính sách tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp và các hộ sản xuất chưa tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ bằng tín chấp mà đều phải có thế chấp. Các thủ tục vay vốn rất khắt khe, tỷ lệ vay được mới đạt 20% so với nhu cầu; vốn vay còn ở mức ngắn hạn. Bên cạnh đó, người vay phải đáp ứng đầy đủ chứng từ, áp lực trả nợ gốc và lãi suất rất lớn do thời gian đáo hạn nhanh.


Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo, hộ trồng rau ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, khi người dân đến ngân hàng vay vốn để sản xuất với mức vốn vay dù nhỏ hay lớn đều phải có thế chấp. Nếu ngân hàng "tạo điều kiện" cho vay không phải làm các thủ tục thế chấp, định giá tài sản thì người dân phải để lại sổ đỏ tại ngân hàng.

Về vấn đề này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ của Chính phủ nhận định: Sản xuất nông nghiệp nói chung là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, hạn hán, sâu bệnh và "vòng xoáy nghiệt ngã" được mùa - mất giá. Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, rất ít doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Hơn nữa, ngân hàng không thể mạo hiểm khi cho nông dân vay vốn mà chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Trong khi đó, cán bộ ngân hàng chỉ có chuyên môn về tài chính, chưa có chuyên môn thẩm định dự án sản xuất, kinh doanh dẫn tới hai bên "khó gặp nhau"...

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Đông Anh Nguyễn Hữu Hòa cho biết, hiện nay dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại ngân hàng này lên tới 7.000 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đã bổ sung nhiều đối tượng mới có thể tiếp cận chính sách ưu đãi tín dụng, nâng hạn mức cho vay với nông dân, hộ gia đình lên 200 triệu đồng… Đây là cơ sở để ngân hàng đưa thêm vốn vào phát triển nông nghiệp và thuận lợi cho người dân khi vay vốn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là dự án của người dân phải hiệu quả và bảo đảm có lãi. Phía ngân hàng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng để bảo đảm sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả tích cực...

Về lâu dài, theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ của Chính phủ thì, các ngân hàng cần xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn công khai, minh bạch để người dân dễ dàng tiếp cận. Để giảm thiểu rủi ro đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ nên lập quỹ hỗ trợ đặc biệt cho nông dân, giao cho một đơn vị độc lập nắm giữ, phối hợp với các tổ, nhóm nông dân và ngân hàng để giải ngân. Hơn nữa, để vay được vốn của ngân hàng bằng tín chấp, nông dân nên thuê một đơn vị tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm tính khả thi; đồng thời, có sự phối hợp với ngân hàng để cùng thẩm định dự án đó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.