Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mẫu mã, tạo đà cho xuất khẩu

Thanh Hiền| 09/10/2018 06:57

(HNM) - Thủ công mỹ nghệ là hàng xuất khẩu có thế mạnh, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đang nằm ở khâu thiết kế.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 trên địa bàn thành phố tăng 7,5 - 8% so với năm 2017, thành phố đã giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương) hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp.

Các mẫu lọ của Công ty Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc (huyện Phú Xuyên) được hỗ trợ thiết kế.


Mẫu mã chậm đổi mới, thiết kế đơn điệu

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, hằng năm đóng góp gần 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 200 triệu USD, tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động… Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính là mẫu mã sản phẩm của các làng nghề chậm đổi mới, thiết kế đơn điệu; nhiều làng nghề chủ yếu sao chép các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc làm theo mẫu do khách hàng đặt, không có mẫu của riêng mình, thiếu những sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên) cho biết, điểm yếu nhất là ở khâu thiết kế. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ yếu thiết kế theo tính chất truyền thống, kinh nghiệm chứ chưa tiếp cận, nắm bắt được nhu cầu sử dụng của thị trường thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề, hiện có tới 90% sản phẩm của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài, vì vậy mà sản phẩm cũng sử dụng nhãn mác của nước ngoài. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để xuất khẩu được hàng thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp trong nước cần cố gắng rất nhiều. Việc đổi mới mẫu mã thiết kế đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công của đơn hàng. Chính vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi theo thị trường bằng cách đổi mới thiết kế mẫu mã, cũng như đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Đổi mới để xuất khẩu

Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận các mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Là một trong những doanh nghiệp được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ thiết kế các mẫu lọ mỹ nghệ, ông Nguyễn Nam, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, sự phối hợp với công ty tư vấn thiết kế mẫu lần này đạt hiệu quả rất cao, vì các nhà thiết kế đã dựa trên thế mạnh của doanh nghiệp để đưa ra những mẫu sản phẩm phù hợp. Nhờ đó, 13 mẫu lọ thủ công mỹ nghệ được làm từ các chất liệu bẹ ngô, bèo dán, cốt giấy… của công ty đều được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu, Mỹ, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng quốc tế thích sử dụng các sản phẩm làm từ chất liệu thiên nhiên.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương cũng cho biết, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.

Ông Nguyễn Nam cũng cho biết thêm, chương trình hỗ trợ thiết kế mẫu của Sở Công Thương đã giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu tư thiết kế mẫu mã. Các sản phẩm được hỗ trợ thiết kế đều đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, nhằm tiếp tục hỗ trợ các làng nghề, trong năm nay, Trung tâm đã hỗ trợ 20 đơn vị, mỗi đơn vị được hỗ trợ 50% kinh phí thiết kế 1 bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gồm từ 2 đến 5 sản phẩm), từ nguồn kinh phí khuyến công thành phố. Các chương trình hỗ trợ này đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có được những mẫu mã sản phẩm giá trị về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, tổ chức các cuộc thi về sản phẩm, thương hiệu... để nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mẫu mã, tạo đà cho xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.