Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Không nên lùi thời gian

Hương Thủy| 10/10/2018 14:43

(HNMO) - Vừa qua, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019, thay vì mức 40% như quy định.


Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình.

Cụ thể là: Từ ngày 1-1-2018 đến hết ngày 31-12-2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ 45%; từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%. Việc siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững.

Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn giảm xuống còn 40%.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng, quy định tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.

Nguyên nhân được Hiệp hội này đưa ra là, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở nước ta, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà.

Tuy nhiên, do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động, nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư, còn lại 80-85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Ngoài ra, "việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan, vì cho đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài, cả nước mới chỉ có 1 quỹ đầu tư bất động sản với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng, nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản; thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường", Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Chưa kể, thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng năm 2018 cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và cả về giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2018 đạt khoảng 9% chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm 2018, trong đó tăng trưởng tín dụng bất động sản rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đây, lẽ ra quy định tỷ lệ đối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được áp dụng từ năm 2018 nhưng việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá nhanh sẽ gây khó khăn, áp lực cho các ngân hàng nên Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện để ngân hàng có thời gian chuẩn bị.

Trước kiến nghị trên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên lùi thời điểm áp dụng tỷ lệ tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho rằng, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 40% vẫn còn cao so với thông lệ quốc tế, trong khi cho vay bất động sản thường là cho vay dài hạn, 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Khi đưa ra quy định như vậy, cơ quan quản lý đã có sự nghiên cứu kỹ, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới lùi lại, còn trường hợp này không phải bất khả kháng đối với thị trường bất động sản.

Dĩ nhiên, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% sẽ hạn chế tín dụng vào bất động sản nhưng thị trường bất động sản vẫn có thể phát triển được chứ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Thanh khoản của hệ thống ngân hàng là điều tối quan trọng. Giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là nhằm giảm rủi ro thanh khoản. Cần đảm bảo hoạt động ngân hàng bền vững như mục tiêu cơ quan quản lý hướng đến. Vì vậy, không nên lùi thời gian thực hiện quy định trên”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế khác nhìn nhận, nếu cứ mỗi quyết định được đưa ra, NHNN thuận theo thị trường rồi lùi lại sẽ ảnh hưởng đến uy tín của NHNN. Việc lùi thời gian giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể tạo tiền lệ xấu.

Chuyên gia này cũng cho rằng, lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được công bố chi tiết. Ngân hàng thương mại cũng như các bên liên quan như doanh nghiệp bất động sản đã có thời gian để chuẩn bị. Vì vậy, việc hiện nay là thực hiện và thích nghi với lộ trình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Không nên lùi thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.