Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến những mục tiêu cao hơn

Nguyễn Mai| 12/10/2018 07:09

(HNM) - Hà Nội đã xác định, xây dựng nông thôn mới không dừng lại ở các tiêu chí đạt được và đó chỉ là bước khởi đầu.

Chủ động nâng cao các tiêu chí

Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vẫn được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 19 tiêu chí như Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng các tiêu chí được đánh giá cao hơn. Ví như, tiêu chí thu nhập, quy định “thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của TP Hà Nội tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”; "tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%"; tiêu chí trường học quy định "cả ba cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tối thiểu một cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học"... Bộ tiêu chí cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó thêm chỉ tiêu về cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp...

Làng quê xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) ngày càng sạch, đẹp. Ảnh: Linh Ngọc


Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Kim Cúc chia sẻ, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã tiếp tục đăng ký và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thời điểm đó, mặc dù thành phố chưa ban hành bộ tiêu chí cụ thể nhưng xã đã bám vào chỉ đạo của trung ương và thành phố, đưa ra các tiêu chí cao hơn để thực hiện. Mới đây, thành phố ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Đan Phượng đã rà soát và nhận thấy 19/19 tiêu chí cơ bản đạt, trong đó có một số chỉ tiêu đạt ở mức độ cao như: Chỉ tiêu về trẻ thấp còi (tiêu chí y tế), chỉ tiêu về nước sạch (tiêu chí vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm), tiêu chí hộ nghèo… Một số chỉ tiêu chưa đạt, xã Đan Phượng đã thành lập 3 tổ công tác xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện...

Cũng giống như xã Đan Phượng, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch chọn từ 5 đến 7 xã để phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020. Để đạt được các tiêu chí, huyện đã chủ động huy động các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng đường giao thông, trường học... Tương tự, huyện Thanh Trì đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã đạt, kết hợp với thực hiện đề án phấn đấu trở thành quận vào năm 2020…

Cần hỗ trợ thêm nguồn lực

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các huyện, thị xã đang lựa chọn một số xã để triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy vậy, việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn không ít băn khoăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều băn khoăn: “Đến nay, huyện Mỹ Đức có 9/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn. 10 xã còn lại chưa đạt vẫn cần phải quan tâm, do vậy sẽ rất khó để đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao nếu không có sự hỗ trợ nguồn lực của thành phố”.

Đây cũng là trăn trở của một số huyện thuần nông, xa trung tâm, kinh tế còn nhiều khó khăn. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, trên địa bàn còn 7 xã chưa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, huyện Sóc Sơn còn 252km rãnh thoát nước và đường giao thông cần đầu tư xây dựng, với dự toán khoảng 320 tỷ đồng; 12 trường học cần đầu tư nâng cấp, cải tạo để đạt chuẩn nông thôn mới… Do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên huyện Sóc Sơn rất cần thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình vận động liên tục, có điểm xuất phát nhưng không có điểm dừng. “Sau khi nhiều địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao; sau khi đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, triển khai xây dựng nông thôn mới sẽ có 3 cấp độ để các địa phương thực hiện…” - bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn của các địa phương về nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, bà Hoàng Thị Huyền cho biết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố để cân đối nguồn lực, hỗ trợ cho chương trình trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu tư công ngày càng thắt chặt, các địa phương cần tăng cường huy động nguồn lực đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, đấu giá quyền sử dụng đất… để tạo nguồn kinh phí triển khai chương trình. Trước mắt, các địa phương tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến những mục tiêu cao hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.