Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội tốt mở rộng thị trường kinh doanh

Hà Phong| 04/11/2018 07:05

(HNM) - Chiều 3-11, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2018.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước họp báo, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10-2018. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp nhưng các nước, tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao vị thế, thành tựu và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Đánh giá kết quả cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát chặt chẽ, bình quân 10 tháng qua ở mức 3,6%; tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định. Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh với khoảng 200,27 tỷ USD. Đây là cố gắng lớn của các ngành, nhất là nông nghiệp. Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2017. Phát huy kết quả này, mục tiêu phấn đấu 130.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2018 sẽ tiếp tục được thực hiện... Đây là nền tảng quan trọng của năm 2018 và đặc biệt là những năm tiếp theo trong phát triển kinh tế. Trong 2 tháng cuối năm 2018 và năm 2019, Chính phủ nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, tại phiên họp, Thủ tướng nhắc nhở, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua chính là dịp để các thành viên Chính phủ "soi lại mình, soi lại ngành mình phụ trách một cách toàn diện". Điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên một bàn tay (có ngón ngắn, ngón dài), song cần chụm lại, đoàn kết để phát triển đất nước...

Đề nghị nhân dân góp ý vào dự thảo Nghị định thi hành Luật An ninh mạng

Cũng tại buổi họp báo, một số vấn đề nổi lên, được dư luận đặc biệt quan tâm đã được các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi. Trao đổi về các nội dung liên quan tới phản ánh có các biểu hiện sai phạm trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Ngày 18-10, Bộ Giao thông - Vận tải đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra dự án này và hiện vẫn đang tiến hành. Sau khi có kết quả, sẽ thông báo công khai.

Về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất vào năm 2020-2021 đối với cấp đầu tiên tiểu học; năm 2021-2022 đối với cấp đầu tiên THCS; năm 2022-2023 đối với cấp đầu tiên THPT. Với các câu hỏi về định hướng kỳ thi THPT quốc gia 2019, theo ông Nguyễn Hữu Độ, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học vừa qua. Về phía Bộ đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019 giảm áp lực, khó khăn với thí sinh nhưng bảo đảm độ tin cậy, đánh giá đúng chất lượng. Cụ thể hơn, việc xây dựng đề thi phải phù hợp, phân hóa học sinh, đánh giá đúng năng lực; chuẩn hóa ngân hàng đề thi và xây dựng phần mềm tốt hơn; lập hàng rào kỹ thuật trong coi thi, chấm thi, giáo viên giữa các tỉnh chấm chéo. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm căn cứ xét tốt nghiệp của thí sinh và đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông. Kết quả này cũng là cơ sở xét tuyển đại học, tuy nhiên sẽ trên tinh thần tự chủ, do các trường quyết định.

Liên quan đến các quy định của Luật An ninh mạng, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định việc cung cấp dịch vụ trên không gian mạng như Facebook, Google phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam là phù hợp thông lệ quốc tế và bảo đảm tính khả thi. Hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng ở trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như: Mỹ, Canada, Nga, Đức, Trung Quốc... Chủ trương này cũng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp.

"Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng hiện do Bộ Công an là đơn vị chủ trì dự thảo và Nghị định đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. Đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp để chúng tôi tiếp thu, giải trình và sớm báo cáo Thủ tướng ban hành theo quy định" - Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết thêm.

* Vừa qua, Báo Tuổi trẻ đã đăng loạt bài về tình trạng chèo kéo du khách ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, khi nhận thông tin, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng TP Hà Nội đã có những chỉ đạo để chấm dứt tình trạng trên... Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, trao đổi lại với TP Hà Nội để quản lý vấn đề này chặt chẽ hơn.

* Về quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho rằng, Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện kết luận thanh tra về vi phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn, nhưng còn một số nội dung xử lý chưa kiên quyết, triệt để. Chính vì vậy, TP Hà Nội mới ban hành quyết định thanh tra nhằm phát hiện những vi phạm để chấn chỉnh, đồng thời đôn đốc việc chấp hành của các cấp có liên quan. Khi Hà Nội có báo cáo, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra, làm rõ. Nếu thấy cần thiết sẽ đề xuất, kiến nghị với Hà Nội giải pháp xử lý bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội tốt mở rộng thị trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.