Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát

Thanh Tàu| 12/11/2018 06:53

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị 26/2014/CT-UBND, chỉ đạo các quận, huyện đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng chục chợ tự phát rải rác khắp các quận, huyện.

Đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), nơi chợ tự phát mọc lên đã nhiều năm nhưng vẫn tồn tại.


Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 168 chợ loại 3 và chợ tạm. Tuy nhiên, ngoài những chợ này các chợ tự phát mọc lên không ít. Đơn cử, trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), vào giờ tan ca hàng trăm công nhân cùng ùa ra đường tranh thủ ghé mua “mớ rau, con cá” biến nơi đây trở thành chợ “cóc” nhộn nhịp, gây cản trở cho người tham gia giao thông. Tại quận Bình Thạnh, chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí chiếm dụng cả tuyến đường để bán buôn kinh doanh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn có nhiều chợ tự phát chiếm lòng, lề đường như: Tại hẻm 13 Lê Đức Thọ (phường 17, quận Gò Vấp), đường Dương Quảng Hàm (phường 5, quận Gò Vấp), lề đường Cô Giang, hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng, đường Tôn Thất Đạm...

Chị Lê Thị Hạnh (bán rau tại chợ Xóm Củi, quận 8) cho hay, trước kia chợ Xóm Củi rất lộn xộn, tuy nhiên, chính quyền đã xây dựng và sắp xếp lại nên hiện nay chợ đã không còn hiện tượng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Cũng theo chị Hạnh: “Việc sắp xếp nơi kinh doanh giờ đã tốt, lịch sự, ngăn nắp, nền nếp và thể hiện sự văn minh”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết, toàn huyện có 30 chợ tự phát. Để giải quyết vấn đề này không phải "một sớm, một chiều" mà cần có lộ trình. Định hướng của huyện là dần phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, điểm bán hàng bình ổn với khoảng 6 cửa hàng tiện ích, 6 siêu thị, 44 điểm bán hàng bình ổn và 3 nhà sách có bán hàng tiêu dùng thay các chợ tự phát.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 1891/QĐ-UBND ngày 8-5-2018 về việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thành phố chú trọng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát.

Đồng thời, thành phố kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại. Riêng với mạng lưới chợ, thành phố cũng đề ra các giải pháp thực hiện quy hoạch như xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng đã xuống cấp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.