Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt”

HNMO| 28/11/2018 10:30

(HNMO) - Từ 14h chiều nay (28-11), tại trụ sở 44 Lê Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm, Báo Hànộimới tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt”.

16:57 28/11/2018

Phát biểu kết thúc tọa đàm, bà Mai Thị Kim Thoa - Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh, chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 giờ đồng hồ, toạ đàm đã thu hút được đông đảo độc giả. Nội dung cuộc toạ đàm cũng được đăng tải trên ấn phẩm Báo Hànộimới hằng ngày với hơn 7 vạn tờ sẽ góp phần đưa thông tin đến nhiều độc giả hơn nữa. Hy vọng, Cuộc vận động sẽ tiếp tục nhân rộng và lan toả, để người Việt không chỉ tin tưởng dùng hàng Việt, mà còn dùng hàng Việt với niềm tự hào của người Việt.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

16:55 28/11/2018

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các hội, hiệp hội, các địa phương trong việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, trong đó có việc tổ chức tọa đàm trực tuyến thường niên của Báo Hànộimới với các chủ đề “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt”, “Để hàng Việt chinh phục người Việt Nam”, "Nhân lên niềm tự hào hàng Việt".


Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng, buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp có những bài học kinh nghiệm, giải pháp trong việc cải thiện chất lượng hàng hóa, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố.



Để hàng Việt Nam thực sự chinh phục người Việt Nam và tiếp tục nhân lên niềm tự hào hàng Việt, góp phần triển khai Cuộc vận động một cách hiệu quả, thiết thực, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo các quận huyện, thị xã, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội….tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền bằng các nội dung cụ thể, thiết thực giúp doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, sản phẩm một cách nhanh nhất đến tay người tiêu dùng; tuyên truyền để người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 02/02/2015 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020 và đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối ở nước ngoài; chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững…

Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế, đa dạng chủng loại, mẫu mã, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, cạnh tranh với sản phẩm nhập… để chinh phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần nhân lên niềm tự hào hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế.

16:41 28/11/2018

Độc giả Mạnh Tường, quận Hà Đông hỏi:Thời gian qua, các cơ quan của thành phố đã làm tốt việc đổi mới cách thức triển khai cuộc vận động, chương trình bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp với những sản phẩm nổi bật của Thủ đô. Nhưng nhiều người dân vẫn chưa thực sự biết tới một cách đầy đủ, hệ thống về những sản phẩm, những doanh nghiệp này để có định hướng tiêu dùng tốt hơn, thúc đẩy nhiều hơn sự có mặt của hàng Việt trong mỗi gia đình, để việc “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt” không phải là khẩu hiệu suông?



Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Cuộc vận động sau 9 năm triển khai với nhiều cách làm sáng tạo của các sở ngành, sự vào cuộc tích cực của DN, chúng ta đã đi từ bước đầu tiên là vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", sau đó tiến tới "hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam".

Kết quả là hiện nay gần như hàng Việt đã chinh phục người Việt thì mục tiêu tiếp theo phải nâng tầm hàng Việt để tiếp tục được người tiêu dùng trong nước đón nhận, tiến tới xuất khẩu.

Những năm trước, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hữu hiệu nhưng đến thời điểm này, cần phải đổi mới để Cuộc vận động đi vào chiều sâu, có tầm, xứng với tên gọi, đúng với thời kỳ đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động và các sở ngành đặt vấn đề đổi mới tuyên truyền lên hàng đầu để tập trung vào những lĩnh vực hỗ trợ giúp DN từ khâu sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế; giúp DN tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có cơ chế chính sách để DN cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN tuyên truyền sản phẩm được bình chọn qua các top thương hiệu..

Tạo điều kiên hỗ trợ, giúp DN đứng vững trong thị trường nội địa và quốc tế. Hiện các sản phẩm nhập ngoại chiếm 15%, dư địa 85% cho sản phẩm nội. Nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực của DN thì sẽ không giữ được thị phần như hiện nay đang chiếm lĩnh. Do đó, phải có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước.

Thành phố vẫn phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho DN trong từng lĩnh vực cụ thể như mặt bằng sản xuất, vốn, cơ chế chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận cơ quan công quyền giải quyết thủ tục nhanh gọn nhất, giảm chi phí không chính thức cho DN;

Thành phố hỗ trợ bằng nhiều chương trình xúc tiến thương mại để giúp DN có sản phẩm thương hiệu Việt tham gia được nhiều chương trình giới thiệu quảng bá, sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

Đó là những giải pháp cứng. Còn giải pháp nữa không thể bỏ qua là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cả trên thị trường truyền thống và thị trường "online" để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trên địa bàn thành phố.

16:34 28/11/2018

Độc giả có địa chỉ email tamnguyennhn@hotmail.com hỏi: "Là cơ quan của thành phố chịu trách nhiệm về truyền thông, xin ông/bà cho biết, đơn vị có giải pháp nào để lan tỏa và làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu tới từng cộng đồng dân cư trong thời gian tới?"


Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội.


Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám Đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết:  Trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ hơn về nội dung Cuộc vận động, về sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng cao và tích cực tham gia thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các kênh tuyên truyền như báo đài trong thành phố tích cực giới thiệu các mô hình, điển hình tốt; các doanh nghiệp có nhiều thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động và các sản phẩm hoàng hóa của Việt Nam có chất lượng cao.


Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đều tổ chức biên soạn tin, bài và phát hành đĩa CD làm tài liệu phát thanh cho hệ thống thông tin cơ sở của các quận, huyện, thị xã nhằm tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, quảng bá các chương trình, sự kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tổ chức hằng năm như: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố; chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tháng khuyến mại Hà Nội; các chương trình Hội chợ, phiên chợ Việt, chuyến hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, khu chế xuất… Đây là hình thức tuyên truyền hiệu quả, nhằm phổ biến rộng rãi các nội dung của Cuộc vận động, giúp người dân hiểu về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có chất lượng cao, từ đó hình thành thói quen tiêu dùng, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân trong ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Ông Tuấn cũng chia sẻ công cụ hữu ích nhất trong "thời đại 4.0" là thông tin trên mạng. Khoảng 6 triệu người dân Thủ đô dùng mạng xã hội với tỷ lệ người tiêu dùng trẻ rất cao, như vậy các doanh nghiệp cần tận dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá sản phẩm và khi có sai phạm thì chính doanh nghiệp cũng phải tự bảo vệ mình cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lí nhà nước.  

16:32 28/11/2018

Thời gian qua, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã kéo theo sự bùng nổ về sản xuất với các sản phẩm sẽ ngày một nhiều đa dạng hơn. Để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả cao hơn và thực sự trở thành một tổ chức trung gian cân bằng quyền lợi giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất?

Ông Phạm Hồng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP Hà Nội.

Ông Phạm Hồng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP Hà Nội: Trong giai đoạn vừa qua, quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp luôn đổi mới, cải tiến. Để nâng cao sức cạnh tranh, đứng vững được thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần phải tập trung đổi mới như: Đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình (nhanh nhất, rẻ nhất, tiết kiệm nhất); đổi mới maketing, quản lý, tổ chức.


Các doanh nghiệp Hà Nội nên đổi mới công nghệ và tiến tới đổi mới toàn diện. Cần phải có sự quyết tâm đổi mới trong giai đoạn mới để tiếp tục nâng cao tự hào về hàng Việt.

16:19 28/11/2018

Độc giả Xuân Nam, email namnx81@gmail.com gửi câu hỏi tới Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội: Một trong những họat động nổi bật của Trung tâm là tăng cường kênh kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tình, thành phố. Xin ông/bà cho biết hoạt động này đã đóng góp như thế nào tới việc tăng hiệu quả của cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam?


Ông Nguyễn Trần Quang- đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội.


Ông Nguyễn Trần Quang - đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Hà Nội:
Nhằm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt, là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế giữa các địa phương, cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, khai thác nhiều thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong giai đoạn 2016-2018, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 2 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; thường niên tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tại Hà Nội; tổ  chức ký kết hơn 1.000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Thông qua các hoạt động này, người tiêu dùng Thủ đô biết đến nhiều hơn sản phẩm của các địa phương; doanh nghiệp sản xuất các tỉnh, thành phố có thể tiếp cận điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Hà Nội, qua đó không ngừng nâp cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã…để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, để người tiêu dùng Thủ đô ngày càng tin, yêu, tự hào sản phẩm Việt Nam.

16:17 28/11/2018

Bạn đọc Thùy Dương, địa chỉ email duongnt11@gmail.com hỏi: Cùng với đầu tư công nghệ, không ít doanh nghiệp cho biết cũng còn lúng túng trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đáp ứng thông lệ quốc tế. Sở Khoa học và Công nghệ có thể tư vấn thêm cho doanh nghiệp giải pháp về vấn đề này?

Bà Trần Minh Hằng, đại diện Sở Khoa học Công nghệ:

Pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể về việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Tại Điều 28, Điều 34 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng.


Bà Trần Minh Hằng, đại diện Sở Khoa học Công nghệ.


Theo hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì tiêu chuẩn áp dụng có thể sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn cơ sở. Trong đó lưu ý việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài không được trái với quy định pháp luật và làm tổn hại tới an ninh, quốc phòng, lợi ích kinh tế - xã hội và các lợi ích khác của đất nước. Tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, nhu cầu và khả năng thực tiễn của cơ sở. Ngoài ra khuyến khích sử dụng hoặc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc nước ngoài tương ứng để xây dựng thành tiêu chuẩn cơ sở. Tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn kỹ thuật liên quan.

Như vậy, để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đáp ứng thông lệ quốc tế, doanh nghiệp có thể áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài có liên quan quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trong các thoả thuận hợp tác song phương, đa phương giữa tổ chức của Việt Nam với tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật hoặc liên quan đến thị trường mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Hoặc có thể sử dụng các tiêu chuẩn này để xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhằm đáp ứng thông lệ quốc tế.

Mặt khác, tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay được xây dựng theo nguyên tắc hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế vì vậy nếu có nhu cầu, các doanh nghiệp có thể gửi đề nghị xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bằng văn bản đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xem xét, tổng hợp.

Nếu gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tìm kiếm các tiêu chuẩn liên quan hoặc vướng mắc trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, doanh nghiệp có thể liên hệ tới Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội để được hỗ trợ.

16:17 28/11/2018

Trong xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh hình thức mua bán truyền thống, xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm, những năm gần đây, sự bùng nổ của mua sắm online đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Độc giả Trang Lê  Quận Đống Đa hỏi: "Xin ông (bà) cho biết những khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử? Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thế nào để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, giúp doanh nghiệp bảo hộ sản phẩm?"


Ông Nguyễn Công San, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô thu hút một số các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có uy tín trên thế giới tham gia: Amazon, Lazada, Shopee, Adayroi, Tiki, Sendo...


Trên thực tế đối với các sàn thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới như Amazon, Ebay... đều đã có những vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến chất lượng hàng hóa, quảng cáo hàng hóa sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng. Tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển tích cực, TMĐT cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, tại các hội chợ, triển lãm... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.


Ông Nguyễn Công San, Cục Quản lý thị trường Hà Nội.


Qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực TMĐT, Cục Quản lý thị trường Hà Nội gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:

Thứ nhất, chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân hoặc một nhóm đối tượng (có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường); các trang mạng, wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ: đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép,... cá biệt có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu. Hàng hóa thường được nhập theo đường tiểu ngạch, xách tay hoặc không rõ nguồn gốc...

Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Hiện nay qua nhiều trường hợp phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý.

Thứ hai, khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là đối với quá trình kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn. Trên các trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Các đối tượng khi có người lạ gặng hỏi xem hàng thì thường không trả lời; ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo nên dễ dàng xóa bỏ thông tin, dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm...

Thứ ba, đối với các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chào bán trên các website thương mại điện tử hoặc các sàn thương mại điện tử thường có giá bán, giá niêm yết thấp hơn nhiều so với hàng thật, hàng hóa không khó để nhận biết. Hoặc có những sản phẩm được bán với giá cao như hàng thật nhưng không có bảo hành, chỉ được giới thiệu là hàng xách tay nhưng người mua vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng chuyển khoản chờ nhận hàng. Chính sự dễ dãi, dễ chấp nhận của một số bộ phận người tiêu dùng hình thành nên có cầu có cung, mặc nhiên là tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Thứ tư, thực tế là số lượng website thương mại điện tử là vô cùng nhiều và đa dạng gần như không thể nắm bắt được. Một số website đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ, thu hồi tên miền nên vẫn mặc nhiên tiếp tục hoạt động vì lợi nhuận thu được là rất lớn so với chế tài xử phạt.

Thứ năm, một số đối tượng lập các website thương mại điện tử, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn (chỉ khác về cách thức thanh toán, liên hệ giao dịch). Những trang mạng này còn sử dụng hình ảnh của nghệ sỹ, người nổi tiếng để tiêu dùng, PR, quảng bá các sản phẩm TPCN, mỹ phẩm... do mình tự sản xuất rồi sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo), chào bán qua các website thương mại điện tử nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ khi lực lượng quản lý thị trường xác minh, kiểm tra trong hoạt động thương mại, TMĐT theo phản ánh của báo chí, truyền thông hoặc của người tiêu dùng qua các trang mạng xã hội (Facebook) mới phát hiện và xử lý.

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Như vây, về nguyên tắc, sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm, vì vậy, các chủ của gian hàng sẽ là người chịu trách nhiệm chính với gian hàng của mình. Khi có phản ảnh về hành vi buôn bán hàng trái quy định, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm gỡ bỏ sản phẩm nếu không có thể bị cơ quan chức năng xử phạt.

Do vậy, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử cần có sự phối hợp giữa rất nhiều cơ quan đơn vị có liên quan. Hàng năm Cục QLTT thành phố Hà Nội đều xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT; chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công Thương, Phòng Quản lý thương mại-Sở Công Thương Hà Nội, các cơ quan công an, hải quan, các cơ quan thông tin, báo chí, phóng viên và các doanh nghiệp chủ sở hữu sản giao dịch TMĐT, các tổ chức/cá nhân chủ sở hữu trang thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TMĐT đồng thời thông qua đó tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân không kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức/cá nhân kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật. 

16:06 28/11/2018

Độc giả Hoàng Mai Lan ở quận Ba Đìnhhỏi: Một trong những lý do khiến sản phẩm Việt khó cạnh tranh trên thị trường là mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sáng tạo, hoặc chưa có tính thẩm mỹ. Là doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, ông/bà có thể chia sẻ bí quyết để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua đổi mới sản phẩm?


Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH mỹ nghệ Thiên Lộc.


Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH mỹ nghệ Thiên Lộc: Doanh nghiệp chúng tôi được may mắn nằm trong làng nghề sơn mài khảm trai truyền thống, có bề dày lịch sử. Đây là lợi thế của chúng tôi. Để sản phẩm cạnh tranh được, chúng tôi lấy chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đồng thời chúng tôi luôn đổi mới, đa dạng mẫu mã để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng khó tính nhất, làm vừa lòng mọi khách hàng, bởi hàng thủ công mỹ nghệ nếu không đa dạng sẽ rất dễ nhàm chán.

16:03 28/11/2018

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc mở rộng các kênh phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước, bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan cho biết, những năm gần đây, Công ty quan tâm đến bán hàng trong nước, đưa ra nhiều sản phẩm phong phú đến người tiêu dùng với mẫu mã bao bì làm tốt hơn chứ không chỉ phục vụ cho xuất khẩu. 


Bà Nguyễn Thị Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Hoa Lan.


Công ty đã nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Thanh Xuân... khi tạo điều kiện cho công ty bán sản phẩm rộng khắp.

Tại Hà Nội, Hoa Lan đang mở rộng các điểm bán hàng và truyền thông rộng trên mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm của Hoa Lan được nhiều người yêu thích. Nhiều siêu thị muốn lấy hàng và có khu vực trưng bày riêng để giới thiệu sản phẩm thảo dược an toàn đến người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến “Nhân lên niềm tự hào hàng Việt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.