Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa tương xứng với tiềm năng

Ngọc Quỳnh| 05/12/2018 07:02

(HNM) - TP Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi các vùng đất trũng gieo cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung.


Đến nay, toàn thành phố đã chuyển đổi được 4.200ha ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp trồng cây ăn quả... Trong đó, đã hình thành 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì… Năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha/năm, cao gấp 2 lần so với nuôi quảng canh; thu nhập đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn thành phố có 30.000ha có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, trong đó đã đưa vào nuôi trồng khoảng 21.000ha với sản lượng 93.623 tấn/năm.

Một hộ gia đình chăn nuôi thủy sản tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Nói về tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Huyện đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Phương Tú, Trầm Lộng, Liên Bạt, Trung Tú... với diện tích 3.200ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 30.000 tấn thủy sản. Từ những mô hình này, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu. Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Chiên (xã Trầm Lộng), sau dồn điền đổi thửa đã nhận ruộng ở vùng trũng khoảng 1ha để nuôi thủy sản. Mỗi năm, gia đình chị Chiên thu hoạch 10 tấn cá, cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm, cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa.

Tuy vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn do cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, người dân thiếu vốn. Trong số 13 dự án để xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của thành phố ở 10 huyện, đến nay mới có 2 dự án ở xã Trung Tú, Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) và Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) đang triển khai, các dự án còn lại vẫn "án binh bất động" do thiếu vốn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết: Toàn huyện đã hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Vạn Thắng và Phú Đông… Tuy nhiên, đường, điện, cơ sở chế biến... chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên rất khó khăn cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi khép kín.

Từ thực tế của địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng mong được các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để đầu tư ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản theo hướng chất lượng cao. Còn các sở, ngành thành phố tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm...

Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.000ha với sản lượng 137.500 tấn, đem lại giá trị khoảng 2.570 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ như chợ cá đầu mối, cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nước ngọt để từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện hỗ trợ thực hiện việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp vùng thấp trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật nuôi đến chế biến thủy sản; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa tương xứng với tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.