Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cách làm, vận dụng cơ chế đặc thù

NGUYỄN LÊ| 10/12/2018 06:45

(HNM) - Nhiều dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh bị đình trệ, chậm triển khai do ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công.


Nhiều dự án đình trệ

Hàng nghìn hộ dân sống trên và ven rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp) bức xúc khi hơn chục năm nay, tuyến kênh này vẫn chưa thể triển khai kể từ khi Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất cải tạo. Đây được xem là tuyến kênh nội đô ô nhiễm nhất hiện nay trên địa bàn thành phố.

Bà Lê Thị Thanh (ngụ tại quận Bình Thạnh) cho biết, tất cả hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến rạch Xuyên Tâm đều mong muốn sớm di dời để thành phố cải tạo, dù có thể đến nơi ở mới thu nhập sẽ khó khăn hơn chỗ cũ. “Sống ở đây nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm còn đáng sợ hơn nhiều”, bà Thanh giãi bày.

Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thi công chậm do vướng thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện một số dự án trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn thành phố chậm khởi công hoặc thi công ì ạch do vướng thủ tục pháp lý; công tác thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường; cơ chế thanh toán; xác nhận về giải ngân vốn... đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Ngoài dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, một số dự án lớn khác như Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3... cũng bị ảnh hưởng do ách tắc trong thủ tục giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2018, việc triển khai dự án Metro số 2 bị ảnh hưởng đáng kể do chậm thanh toán gói thầu tư vấn, việc giải ngân bị dừng lại vì phải chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Tính đến ngày 31-10-2018, thành phố có 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ chỉ giải ngân được 102 tỷ đồng (đạt 2% so với kế hoạch 4.884 tỷ đồng). Trong kế hoạch vốn năm 2018, thành phố giao vốn cho 61 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trọng điểm với tổng số là 4.927 tỷ đồng, đến nay chỉ giải ngân được 1.247 tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch). Chỉ riêng 2 nhóm dự án trên, tổng số vốn chưa giải ngân được là 8.462 tỷ đồng, chiếm 29% kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công đã ảnh hưởng đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, kéo theo tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố chưa đạt yêu cầu. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều dự án bị đình trệ.

Thay đổi cách làm, kiểm điểm trách nhiệm

Liên quan đến dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Vĩnh Tuyến lý giải, do dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng các dự án BT nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Để tháo gỡ, thành phố sẽ thực hiện theo hình thức tách thành hai gói dự án thành phần: Gói bồi thường giải phóng mặt bằng, thành phố sẽ ứng tiền ngân sách thực hiện; gói xây lắp thực hiện theo hình thức BT sử dụng quỹ đất hai bên tuyến rạch sau khi đã giải phóng mặt bằng.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, nhiều dự án nếu làm theo cách cũ sẽ rất khó khăn trong triển khai. Để thúc đẩy thực hiện các dự án này, UBND thành phố cho phép tách dự án ra thành nhiều gói thành phần và thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau.

Đối với các dự án trọng điểm khác, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 54) cho phép thành phố được ứng vốn để thực hiện đối với các dự án do trung ương đầu tư trên địa bàn. Đơn cử, dự án đường Vành đai 3, khi triển khai những tuyến quốc lộ, trung ương chưa phân bổ vốn được thì thành phố sẽ ứng vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng. “Chỉ có Nghị quyết 54 mới cho phép thành phố làm điều này”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Để có giải pháp căn cơ trong tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai theo phương châm đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác tối đa nguồn lực tài chính đầu tư công.

Trong năm 2019, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có cơ quan, đơn vị giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ dưới 90% so với số vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Qua đó, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan nếu đơn vị đó có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 50% kế hoạch được duyệt; xem xét hạ bậc thi đua, không thực hiện chi thu nhập tăng thêm đối với người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan nếu đơn vị đó có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 90% mà không có lý do chính đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cách làm, vận dụng cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.