Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế nhà nông

Đỗ Minh| 11/12/2018 07:01

(HNM) - Nhiệm kỳ qua (2013-2018) với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, các cấp Hội Nông dân Việt Nam không ngừng xây dựng, phát triển vững mạnh.

Một mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền


Vai trò tiên phong

5 năm qua, bằng những chương trình và các hoạt động thiết thực, nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đã được hình thành và nhân rộng. Đó là những trang trại chăn nuôi khép kín theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng; là những vườn trái cây đặc sản, rau an toàn, lúa hàng hóa đạt chất lượng cao, được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, để có nền nông nghiệp phát triển phải có những nông dân giỏi, tiên tiến, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Nông dân cả nước đã hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 25 triệu lượt hội viên, nông dân; trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho hơn 1,18 triệu nông dân; xây dựng 9.000 mô hình trình diễn VietGAP và chuyển giao thành công 2.700 mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động hàng triệu hộ gia đình nông dân đăng ký cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Đáng chú ý, trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trung bình hằng năm có 6,5 triệu hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. “Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo nên những nông dân xuất sắc, những mô hình nông nghiệp điển hình, góp phần rất lớn cho kinh tế nông nghiệp và sự đổi thay tại các vùng quê” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cùng với xây dựng, phát triển các mô hình, Hội Nông dân các cấp còn là cầu nối giúp nông dân liên kết với nông dân, với nhà khoa học và doanh nghiệp bằng các chương trình. Cụ thể, Trung ương Hội đã ký 21 chương trình phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; các tỉnh, thành hội đã ký 690 chương trình phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh. Ông Trần Văn Hành, hội viên Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang - một trong 53 nhà khoa học chuyên và không chuyên trong lĩnh vực nông nghiệp được tôn vinh nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 cho hay, thông qua các hoạt động giao lưu, học tập của Hội, ông đã vận dụng và nghiên cứu thành công “Phương pháp xử lý cho vải thiều ra quả trên thân cây”; đồng thời, liên kết ứng dụng, kết nối thị trường, tạo “đầu ra” cho quả vải...

Đào tạo những nông dân giỏi


Không chỉ đồng hành với nông dân trên mặt trận sản xuất, 5 năm qua, với tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cả nước đạt 2.857,2 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 5.797 tỷ đồng, các cấp Hội đã giúp nông dân xây dựng được 13.328 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ 285.050 lượt hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) Đinh Công Phu cho biết, thông qua nguồn quỹ hỗ trợ, nông dân xã Ba Trại đã mở rộng, phát triển mô hình trồng chè sạch, giúp hội viên nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho hay, thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nông dân cả nước đã tự nguyện đóng góp hơn 17.000 tỷ đồng, hơn 29 triệu ngày công, hiến gần 37 triệu mét vuông đất; làm mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 480.000km kênh mương nội đồng và 1.570.000km đường giao thông nông thôn...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các cấp Hội Nông dân vẫn còn một số hạn chế, như: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn còn chậm; nguồn vốn và các dự án hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất còn ít; kinh phí đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu... Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng: Trên nền tảng tích cực, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đào tạo những nông dân giỏi để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp 4.0.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11 đến 13-12-2018) thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thảo luận và đề ra 14 chỉ tiêu thi đua: Hằng năm, 100% Hội Nông dân cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức đối thoại giữa chính quyền với nông dân; kết nạp ít nhất 1,2 triệu hội viên mới trở lên...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế nhà nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.