Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thanh Hiền| 17/12/2018 07:29

(HNM) - Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cũng là thời điểm hàng lậu được vận chuyển về Hà Nội.

Đội Quản lý thị trường số 15 bắt giữ lô “bóng cười” tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư khí công nghiệp.


- Với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, Hà Nội được đánh giá là địa bàn phức tạp, “điểm đến” của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?


- TP Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 13 khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, 55 khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, chưa kể các bến xe, nhà ga... Cùng với đó là quy mô dân số và các điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội tăng nhanh đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý thị trường. Hằng ngày, một khối lượng lớn hàng lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm... chủ yếu từ biên giới phía Bắc thẩm lậu vào Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, hàng lậu thay vì tập kết trên xe lớn như những năm trước, nay xé lẻ vận chuyển bằng mô tô, xe khách, xe tải nhẹ từ biên giới vào sâu nội địa, trà trộn cùng hàng hóa có hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), các tỉnh An Giang, Long An, Quảng Ninh...

- Với vai trò cơ quan tham mưu cho UBND thành phố, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội có những giải pháp gì để kiểm soát, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng?


- Hằng năm, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đều xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các đội quản lý địa bàn bám sát tình hình thị trường, chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu cho UBND, BCĐ 389/TP, các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo Cục tăng cường kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, chỉ đạo đội quản lý thị trường cơ động về hàng giả phối hợp chặt chẽ với Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội là đầu mối kết nối với đại diện gần 100 nhãn hiệu hàng hóa, chủ sở hữu nhãn hiệu đang được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhận định nguồn gốc của các sản phẩm hàng hóa giả mạo tem nhãn hầu hết xuất phát từ phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường tuyên truyền pháp luật, vận động ký cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng giả, tem, nhãn, bao bì giả mạo nhãn hiệu; đồng thời, chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm. Cục cũng phối hợp với Công an thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số điểm nóng như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp; kiểm soát hoạt động vận chuyển qua các cửa khẩu hàng không, đường sắt để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

- Những thông tin liên quan đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Với chức năng quản lý và bảo vệ thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã, đang thực hiện những biện pháp gì nhằm góp phần duy trì thị trường thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019?


- Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389/TP, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở thức ăn đường phố... Trong đó, tập trung kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Một giải pháp quan trọng nữa là tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Ngoài ra, các đội quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra theo phân công quản lý địa bàn, đặc biệt là các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung, như: Làng sản xuất bánh kẹo Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (huyện Hoài Đức); các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các khu - cụm công nghiệp tập trung, các chợ đầu mối...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.