Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch cung cấp điện ở Hà Nội: Đáp ứng nhu cầu phát triển

Thanh Hải| 24/12/2018 06:37

(HNM) - Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, khu vực ngoại thành còn thiếu trạm biến áp, hạ tầng đường dây chưa hoàn toàn đồng bộ..., đó là những vấn đề được đặt ra đối với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI).

Công nhân Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội kiểm tra thiết bị tại trạm 110kV Công viên Thống Nhất.


Nhu cầu lớn

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, nhưng đến nay kinh tế huyện Phú Xuyên vẫn chậm phát triển mặc dù có nhiều tiềm năng về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, mà một trong những nguyên nhân là do chưa có được hạ tầng lưới điện hoàn chỉnh.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và thương mại An Gia (thị trấn Phú Xuyên) thông tin, do sử dụng chung với hệ thống lưới điện sinh hoạt khu dân cư, nên điện năng rất yếu, ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành máy móc, sản xuất kinh doanh của đơn vị…

Còn ông Nguyễn Tạ Tấn (tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên) phản ánh, lâu nay, người dân địa phương vẫn sử dụng chung trạm biến áp 110kV Tía (huyện Thường Tín) trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao nên khả năng đáp ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt còn hạn chế.

Theo EVN HANOI, trên địa bàn thành phố chỉ còn huyện Phú Xuyên chưa có trạm biến áp 110kV phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô, nơi đây được xác định là khu đô thị vệ tinh với hàng loạt các khu công nghiệp, khu đô thị. Vì thế, việc xây dựng một trạm biến áp mới đang được EVN HANOI tiến hành.

Ngoài huyện Phú Xuyên, thời gian qua, EVN HANOI cũng đã đầu tư lớn cho phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện khu vực ngoại thành, để xóa tình trạng cấp điện qua khâu trung gian, tăng cường chất lượng dịch vụ cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Tuy nhiên, đề cập đến việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân Thủ đô, ông Trần Xuân Hùng, Trưởng ban Kế hoạch EVN HANOI cho biết, cấp điện mùa hè vẫn là giai đoạn căng thẳng nhất đối với ngành Điện. Đơn cử như trong năm 2018, chỉ tính 21 ngày nắng nóng kéo dài (từ ngày 4 đến 24-6), đã có 16 ngày sản lượng điện tiêu thụ hơn 60 triệu kWh/ngày. Đặc biệt trong đầu tháng 7-2018, có 4 ngày sản lượng đạt mức trên 70 triệu kWh/ngày, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường...

Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 9-2-2017 của UBND TP Hà Nội phê duyệt hợp phần II, quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung áp sau các trạm 110kV của quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035, nhu cầu sử dụng điện tăng từ 1.900kWh/người/năm vào năm 2015 lên 2.839kWh/người/năm vào năm 2020 và 4.109kWh/người/năm vào năm 2025. Vì vậy việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho thành phố vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới.

20.000 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống lưới điện

Nhân viên Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra trạm biến áp trên địa bàn.


Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI Nguyễn Anh Dũng cho biết, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, giai đoạn 2016-2018, tổng công ty đã triển khai khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn. Ngoài việc nâng chất lượng dịch vụ cấp điện ngoại thành, tính riêng năm 2018, các đơn vị trong toàn tổng công ty đã hoàn thành, đóng điện 8 công trình và 2/2 hạng mục công trình lưới điện 220kV, 110kV, công suất tăng thêm là 548MVA và 107,8km dây dẫn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về điện của thành phố.

Tuy nhiên, công tác thỏa thuận tuyến, địa điểm xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt các hồ sơ sử dụng nguồn vốn ODA, đặc biệt là việc đền bù giải phóng mặt bằng... còn nhiều khó khăn, kéo dài làm chậm tiến độ dự án.

"Đơn cử như dự án TBA 110kV Phú Xuyên, theo kế hoạch khởi công năm 2016, hoàn thành năm 2017, nhưng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh địa điểm, thiết kế nên tiến độ khởi công lùi đến năm 2018 và dự kiến hoàn thành năm 2019" - ông Nguyễn Anh Dũng nêu ví dụ.

Cũng theo ông Dũng, thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện thành phố, giai đoạn năm 2018-2020, EVN HANOI dự kiến đầu tư 20.000 tỷ đồng để hoàn thiện đồng bộ các TBA 220kV, 110kV, đường dây truyền tải, lưới điện trung, hạ thế... Kế hoạch đầu tư đã được giao cho các đơn vị và được lập tiến độ chi tiết đối với từng hạng mục để theo dõi, kiểm soát...

Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND, lưới điện trung áp phải bảo đảm sẵn sàng, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ điện cho phát triển kinh tế - chính trị và an sinh xã hội của thành phố. Quyết định nêu rõ, phát triển lưới điện phân phối trung áp phù hợp với lưới điện truyền tải 220kV, 110kV; bảo đảm chất lượng, nâng cao độ ổn định, an toàn, tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng.

Đô thị lõi gồm 5 quận, trong đó có 3 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa), phía Bắc quận Hai Bà Trưng và phía Nam quận Tây Hồ, lưới điện được dự phòng 100% nhu cầu phụ tải; đô thị tập trung từ Vành đai 4 trở vào, lưới điện được dự phòng 65% nhu cầu phụ tải và các khu vực còn lại được dự phòng 50%. Chỉ số ngừng cung cấp điện bình quân năm giảm xuống dưới 200 phút/năm... Quy hoạch cũng yêu cầu phải hạ ngầm toàn bộ lưới điện từ Vành đai 3 trở vào trung tâm; từ Vành đai 3 đến Vành đai 4 ưu tiên phương án hạ ngầm...

Nhằm góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điệnquốc gia, khoảng 300MW vào năm 2020, 1.000MW (năm 2025) và 2.000MW (năm 2030) thông qua triển khai các đề án về quản lý nhu cầu điện (DSM), Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước khi ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về DSM trên địa bàn giai đoạn 2018-2020. Theo đó, mục tiêu tổng quát là triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ... để thực hiện DSM, đề cao vai trò của khách hàng sử dụng điện trong việc chủ động tham gia bảo đảm cung ứng điện ổn định, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch cung cấp điện ở Hà Nội: Đáp ứng nhu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.