Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ rào cản cho vật liệu xây dựng không nung

Tuệ Diễm| 31/12/2018 06:22

(HNM) - Vật liệu xây dựng không nung thân thiện với môi trường được đánh giá có độ chống thấm cao, cách âm, cách nhiệt, giá thành giảm so với vật liệu làm bằng đất nung... nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Chung cư Flora Anh Đào (quận 9, TP Hồ Chí Minh) được xây bằng gạch không nung.


Để bảo vệ môi trường, từ năm 2013 TP Hồ Chí Minh đã chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò nung gạch từ đất sét và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung hình thành nhanh. Nếu năm 2010 trên địa bàn thành phố mới có 10 doanh nghiệp thì đến năm 2013 đã có 17 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không nung như: Gạch bloc, gạch ACC, gạch xi măng đất ép bán khô, gạch tự khóa ép bán khô, bê tông xi măng cốt liệu nhỏ...

Từ khi khuyến khích đưa vật liệu không nung vào xây dựng, TP Hồ Chí Minh đã có hàng chục công trình sử dụng vật liệu này như: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, trụ sở Công an TP Hồ Chí Minh, ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chung cư Flora Anh Đào...

Mặc dù vật liệu không nung được đánh giá có độ chống thấm cao, cách âm, cách nhiệt, ít đóng rong rêu và giá thành giảm tới 20% so với vật liệu làm bằng đất nung truyền thống nhưng việc tìm đầu ra cho loại sản phẩm này gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân được cho là lò gạch nung tại các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh vẫn được phép hoạt động, nguồn hàng từ các địa phương tràn về thành phố nên gạch không nung khó cạnh tranh.

Mặt khác, ông Trần Trung Ninh - Phó Giám đốc Khối Quản lý thiết kế, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho hay, doanh nghiệp có nhiều công trình sử dụng gạch không nung, nhưng đã xảy ra trường hợp nứt ngang...

Lý giải về hiện tượng trên, ông Trần Lê Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Gạch đất sét nung đã hết độ co và được kết khối ở nhiệt độ 1.000 độ C. Ở gạch không nung, do không qua nhiệt độ nên viên gạch có độ co giãn. Muốn có độ co đạt yêu cầu thì đơn vị xây dựng phải sử dụng gạch không nung sau 28 ngày sản xuất”. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa sản xuất gạch đã bán ngay cho bên xây dựng nên đã dẫn đến hiện tượng nứt.

Theo Thông tư 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, công trình trên 9 tầng bắt buộc sử dụng 80% vật liệu xây dựng không nung, công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách thì phải sử dụng 100% vật liệu không nung. Nghị định 139/ 2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định xử phạt về những hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung.

Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Tuấn - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cần có giải pháp, chế tài xử lý mạnh hơn để các chủ đầu tư công trình xây dựng tuân thủ quy định.

Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam đề nghị các đơn vị thi công, đơn vị xây dựng phải đào tạo đội ngũ công nhân xây dựng và cập nhật kiến thức cho đội ngũ thiết kế, thi công, giám sát việc xây dựng vật liệu không nung để hạn chế sai sót.

“Vật liệu không nung rất khác vật liệu làm bằng đất nung truyền thống nên kỹ thuật, thiết kế, định mức cũng khác nhau”, Tiến sĩ Trần Bá Việt nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rào cản cho vật liệu xây dựng không nung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.