Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đệm để tiếp tục bứt phá

Hồng Sơn| 04/01/2019 07:10

(HNM) - Nền kinh tế nước ta vừa đi qua một năm thắng lợi toàn diện, với dấu ấn vượt khó thành công, thể hiện khát vọng và quyết tâm tăng trưởng nhanh, bền vững.

Sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 10,2% so với năm trước.Ảnh: Linh Ngọc


Vượt khó thành công

Thực tế cho thấy, trái với sự lo ngại là tốc độ tăng trưởng kinh tế càng về cuối năm càng có thể suy giảm thì GDP quý IV-2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước; từ đó nâng GDP cả năm 2018 tăng 7,08% so với năm 2017. Như vậy, nền kinh tế tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra (6,7%), chất lượng tăng trưởng được cải thiện một bước, bảo đảm các cân đối vĩ mô và đạt nhiều kết quả khả quan trong năm kế hoạch 2018. Đặc biệt, năm 2018 ghi nhận sự thành công trong kiềm chế lạm phát với kết quả rất ấn tượng 3,54% sau những tháng điều hành quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ. Như vậy, lạm phát tăng dưới 4%, bảo đảm chỉ tiêu đã góp phần ổn định đời sống nhân dân và thực hiện an sinh xã hội.

Có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp của nhiều lĩnh vực, khu vực sản xuất; trong đó chủ yếu gồm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2% so với năm trước, với một số ngành có mức tăng trưởng cao như ngành chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 244 tỷ USD, tăng 13,8% (cao hơn so với yêu cầu tăng 10% đã đề ra), từ đó mang lại mức xuất siêu 7,2 tỷ USD giá trị hàng hóa cho nền kinh tế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm qua cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.478 nghìn tỷ đồng; tăng 3,5% về số doanh nghiệp nhưng tăng 14,1% về vốn so với năm 2017. Ngoài ra, có hơn 34 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Nguồn vốn trong dân đang được huy động nhiều hơn, tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế. Riêng vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% kết quả năm trước, nhưng lượng vốn giải ngân của khu vực này đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%...

Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, thực tế sau hàng chục năm các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt, triển khai dự án tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, môi trường đầu tư - kinh doanh tại đây ngày càng cải thiện, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Chính phủ, chính quyền địa phương đang thể hiện rõ mục tiêu hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Đồng quan điểm này, ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP An Việt tại Hà Nội - chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm cho rằng - đơn vị đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động từ phía cơ quan chức năng; nhất là trong hoạt động giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính, quy định của Nhà nước.

Hướng tới tăng trưởng bền vững

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, năm 2019 nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8%, nhưng tiếp tục đối diện với một số khó khăn, cần nhận diện như diễn biến kinh tế thế giới vẫn phức tạp và có xu hướng tăng trưởng chậm lại; mức độ cạnh tranh gia tăng, giá dầu có thể thất thường, năng lực sáng tạo của doanh nghiệp chưa cao.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng nói trên, các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp: Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng; ứng dụng công nghệ cao và nâng cao khả năng sáng tạo của doanh nghiệp, kết hợp tăng năng suất lao động; tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn kinh tế có công nghệ cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tiếp thu công nghệ hiện đại; chủ động thực hiện an sinh xã hội...

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) đánh giá, năm nay sẽ chứng kiến sự vận hành của một số dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động mạnh mẽ gồm các nhà máy điện mới, dự án du lịch quốc tế, tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn... Năm 2019 cũng sẽ đánh dấu sự vận hành các dự án hạ tầng giao thông; đặc biệt, 3 công trình, dự án quy mô lớn vừa khánh thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2018 với tổng vốn huy động khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tại tỉnh Quảng Ninh. Đó là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Những công trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu; thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa, nhất là khu vực tam giác kinh tế phía Bắc, đồng thời là điểm nhấn để thu hút dòng vốn đầu tư cũng như khách du lịch nước ngoài.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa nhấn mạnh nội dung "tăng tốc, bứt phá" để tập trung phát triển kinh tế trong năm 2019 theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần có giải pháp chủ động khắc phục những vấn đề như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; sức chống chịu của nền kinh tế trước biến động bên ngoài chưa cao. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương khẩn trương vào cuộc, điều hành nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, quản lý tốt nợ công, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, cơ cấu lại đầu tư...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước đệm để tiếp tục bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.