Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung giữ nhịp xuất khẩu

Hồng Sơn| 21/01/2019 07:27

(HNM) - Năm 2018 ghi nhận thành công trong hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế, trong đó kim ngạch tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam


Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2018 đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước và tăng cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng 10% đề ra từ đầu năm. Đặc biệt, nền kinh tế đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, thể hiện sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Nhờ kết quả xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD giá trị hàng hóa. Đây cũng là mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.

Đáng lưu ý là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt mức 15,9% trong khi tốc độ tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 12,9%, thể hiện rõ sự bứt phá. Thực tế này ghi dấu ấn khả quan của cộng đồng doanh nghiệp nội, cũng là sự đảo chiều sau nhiều năm khu vực doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng cao hơn khu vực trong nước.

Năm nay, ngành Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 đến 10% so với kết quả năm 2018. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu đang trên đà tăng tiến, sẽ có sự gia tăng về lượng xuất khẩu do sự bổ sung về năng lực sản xuất ở trong nước với nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động. Hàng xuất khẩu vẫn dựa vào các mặt hàng chủ lực gồm gạo, cà phê, dệt may, điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện, đồ gỗ... Dư địa cho xuất khẩu còn khá lớn, bởi doanh nghiệp trong nước có thể tập trung, tận dụng các điều kiện ưu đãi do 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết với các đối tác mang lại.

Đơn cử, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kết quả xuất khẩu đồ gỗ năm qua đạt 9,3 tỷ USD, tức vượt 0,3 tỷ USD so với mục tiêu. Nhưng, vấn đề đáng nói là Việt Nam mới đáp ứng được không quá 2% nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ và EU - những thị trường có sức mua lớn hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập doàn Dệt may Việt Nam nhận định, nếu tận dụng tốt cơ hội các doanh nghiệp thuộc ngành này có thể gia tăng sản lượng, quy mô xuất khẩu dưới tác động tích cực từ các FTA; nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ở thời điểm đầu năm 2019, tình hình và các diễn biến liên quan trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục chủ động xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, độ mở của nền kinh tế hiện đã rất rộng, Việt Nam đang giao thương với nhiều đối tác quốc tế và gắn kết chặt chẽ hơn với đời sống kinh tế toàn cầu, nên các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền cần chủ động và tập trung hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cần được quan tâm, chú trọng chất lượng ngay từ đầu; trong đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này thực hiện sản xuất sạch, theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của bạn hàng quốc tế. Đặc biệt, cần gắn kết hoạt động sản xuất sạch với mục tiêu sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EU đối với thủy sản Việt Nam...

Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng hứa hẹn tiếp tục là điểm nhấn, tham gia tích cực hoạt động xuất khẩu trong năm 2019. Điều này là có cơ sở, bởi năm qua đã có một số dự án lớn thuộc lĩnh vực này được cấp phép, được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại để chuẩn bị đi vào hoạt động. Phần lớn sản phẩm thuộc lĩnh vực này sẽ gồm linh kiện điện tử, đồ gia dụng, phụ kiện ngành dệt may, phụ tùng sản phẩm cơ khí, ô tô...

Chính phủ sẽ tăng cường theo dõi sát sao, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các đơn vị làm hàng xuất khẩu để gia tăng hội nhập quốc tế, cũng như giải quyết đầu ra cho hàng nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nhanh chóng giảm bớt tình trạng gia công, lắp ráp; chủ động huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của hàng Việt, cũng như nền kinh tế trên thị trường toàn cầu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung giữ nhịp xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.