Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đầu tư ra nước ngoài

Hồng Sơn| 25/01/2019 07:12

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư tại nước ngoài từ 30 năm trước. Riêng năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hơn 357 triệu USD ra nước ngoài.


Địa bàn đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là các nước láng giềng thuộc Đông Nam Á. Đến nay, Lào, Campuchia và Myanmar lần lượt đứng thứ 1, 2 và 8 trong số các địa bàn tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư gồm nông, lâm nghiệp; thủy điện, ngân hàng, viễn thông... Một số dự án có quy mô lớn, đã triển khai và có chỗ đứng vững chắc, tạo được thương hiệu tại các nước như dự án Metfone của Viettel (hiện chiếm hơn 20% thị trường viễn thông Campuchia); dự án khu phức hợp văn phòng, khách sạn tại Myanmar của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai...

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các đơn vị đã phát huy vốn, công nghệ cũng như sức mạnh trí tuệ của từng doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp thu về lợi ích vật chất cũng như kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai và vận hành dự án ở nước ngoài. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu ngày càng có thêm nhiều dự án thành công sẽ là bằng chứng thể hiện sự lớn mạnh, cũng như nâng tầm sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trên địa bàn quốc tế...

Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài; qua đó các đơn vị có thể tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, phục vụ mục tiêu phát triển của mình. Vì thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt chủ động trong triển khai dự án tại nước ngoài. Đơn cử, việc khánh thành nhà máy chế biến cao su mang tên Chư Sê Kampong Thom tại Campuchia, với công suất giai đoạn 1 đạt 21.500 tấn/năm của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam là một minh chứng rõ nét cho chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận, đến nay, đơn vị đã trồng được 90.000ha cao su, với số vốn khoảng 700 triệu USD tại nước bạn.

Tuy nhiên, con đường kinh doanh tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt không chỉ toàn thuận lợi. Một số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia thường sử dụng nhiều đất, trong khi hệ thống quản lý nói chung và quản lý đất đai nói riêng tại đây chưa hoàn thiện. Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa, tập quán, cách thức lao động của công nhân địa phương cũng khiến nhà đầu tư Việt Nam dễ rơi vào tình thế bị động.

Xuất phát từ yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm giảm rủi ro, VCCI phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam vừa giới thiệu bản hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại tiểu vùng sông Mekong. Cụ thể, việc nghiên cứu dự án đầu tư nên bao gồm xây dựng kế hoạch đầu tư; đánh giá tác động môi trường và xã hội. Đặc biệt, bản hướng dẫn cũng giới thiệu một số cơ chế giải quyết tranh chấp, danh mục văn bản quy phạm pháp luật... để nhà đầu tư Việt Nam tham khảo khi có ý định đầu tư vào các nước láng giềng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, khi đầu tư ra nước ngoài doanh nghiệp cần chủ động chấp hành pháp luật về đầu tư của Việt Nam; tham vấn trước khi triển khai dự án; nghiên cứu và tuân thủ tốt các quy định pháp luật của nước sở tại... Mỗi đơn vị cũng cần tự giác liên kết, trao đổi kinh nghiệm để phát huy lợi thế và giảm rủi ro...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đầu tư ra nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.