Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà cho thương mại điện tử “cất cánh”

Thanh Hiền| 13/02/2019 07:52

(HNM) - Với tổng doanh thu 2,26 tỷ USD, số lượng khách hàng mua sắm trên trang thương mại điện tử đã đạt 49,8 triệu người. Nhờ đó, ngành thương mại điện tử Việt Nam lọt tốp 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới năm 2018.

Các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn.


Số lượng đơn hàng điện tử tăng mạnh

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), tổng doanh thu ngành thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2018 đã tăng 29,4% so với năm ngoái, trong khi số lượng khách mua hàng trên trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt tốp 6/10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Có thể thấy, những chiến dịch khuyến mãi lớn, dài hơi, gây chú ý trong quý IV-2018 đã làm thay đổi rõ nét cơ cấu xếp hạng giữa các sàn thương mại điện tử trong cả năm.

Điển hình phải kể đến Shopee vươn lên vị trí dẫn đầu, với 123,2 triệu lượt truy cập, trở thành sàn thương mại điện tử có lượng khách hàng truy cập số 1 của Việt Nam. Tiki giữ vị trí số 2 với 107,9 triệu lượt truy cập trong quý IV-2018; kế đến là sàn Lazada với 97,6 triệu lượt; trang Thế giới di động có 88,3 triệu lượt, sàn Sendo bám sát sau đó với 76,2 triệu lượt. Đáng chú ý, cả 4 sàn thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức lọt vào tốp 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á trong năm 2018.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn, số lượng các đơn hàng thương mại điện tử tăng rất mạnh, ước tính khoảng 60%/năm. Hơn nữa, không chỉ các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Doanh thu bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử những năm gần đây chiếm 3,4-3,7% so với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa, chứng tỏ tốc độ bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử ngày càng tăng.

Sớm khắc phục những tồn tại

Tuy nhiên, những rào cản về chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng, hình thức thanh toán… đang làm chậm đường phát triển của thương mại điện tử.

Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, qua kiểm tra vẫn còn nhiều doanh nghiệp không biết là phải đăng ký và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều doanh nghiệp lớn không nắm rõ quy định về giao dịch, ký kết hợp đồng trong kinh doanh thương mại điện tử. Việc minh bạch và công khai hóa những chính sách, cũng như quy định trên các website để thông tin cho người mua biết quyền và nghĩa vụ các bên còn hạn chế... Đặc biệt, các sàn giao dịch thương mại điện tử còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực để có thể kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn của mình nên các vi phạm vẫn xảy ra, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh những vi phạm trên, thương mại điện tử còn đang gặp vướng mắc trong vấn đề thu thuế. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nếu như ở những giai đoạn trước việc thu thuế với thương mại điện tử ít có ý nghĩa thực tế, thì nay vừa có tác động lớn tới sự phát triển, vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu, chiếm 91,8% nên khó khăn trong việc quản lý. Cùng với đó là sự phức tạp của hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trực tuyến; nhiều giao dịch nhỏ lẻ bằng tiền mặt. Đặc biệt là khó khăn trong quản lý thu thuế nhà thầu và các giao dịch xuyên biên giới dẫn tới việc không thể truy thu và xác định được thuế chính xác.

Vì vậy, các bộ, ngành cần sớm sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với phương thức giao dịch này. Tuy nhiên, để quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử mang tính khả thi cao, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, kinh tế chia sẻ tác động tới cuộc sống hiện nay rất rõ, việc thiết kế khung pháp lý phải có sự tham gia của các bộ, ngành. Đồng thời, Việt Nam cần nghiên cứu những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác cung cấp dịch vụ theo mô hình này trên nguyên tắc chung là nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Về phía doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử; tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngăn chặn, xử phạt với các doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho thương mại điện tử “cất cánh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.