Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường TP Hồ Chí Minh: Bảo đảm nguồn hàng, giá cả

Trọng Ngôn| 15/02/2019 07:21

(HNM) - Sức mua hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. Hiện nguồn hàng khá dồi dào, giá cả cũng sẽ được giữ ổn định để phục vụ người dân thành phố.

Nguồn hàng phục vụ sau Tết được hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bảo đảm không thiếu và không tăng giá.


Giá tăng nhẹ tại chợ truyền thống

Tại chợ Tân Mỹ (quận 7), lượng hàng hóa đã dồi dào như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ghi nhận cho thấy, dù lượng hàng hóa không khan hiếm nhưng giá lại tăng nhẹ so với thời điểm bình thường. Nhóm mặt hàng tăng giá tập trung ở những loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, cá… Đặc biệt, giá các loại rau, củ, quả tăng khoảng 5-10%. Đây cũng là những mặt hàng thu hút lượng người mua nhiều nhất.

Chị Trần Ngọc Phương Lan (ngụ tại phường Bình Thuận, quận 7) cho biết, sau Tết gia đình chị thường ưu tiên mua thực phẩm tươi sống, nhất là rau, củ, quả bởi những ngày Tết đã “nạp” quá nhiều năng lượng từ đạm nên cần có chất xơ để bù lại. “Giá có nhích hơn thời điểm trước Tết đôi chút, nhưng vẫn chấp nhận được”, chị Phương Lan chia sẻ.

Còn tại chợ Rạch Ông (quận 8), các mặt hàng như cá sống, thủy hải sản tươi sống được các tiểu thương nhập về còn hạn chế. Giá các mặt hàng này tăng khoảng 10-20% so với bình thường. Ghi nhận cho thấy, dù giá tăng nhưng lượng người mua khá đông. Chị Ngọc Bích (tiểu thương bán hàng hải sản ở chợ Rạch Ông) cho biết, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt, hải sản thường lấy số lượng hàng vừa phải vì e ngại sức mua kém sau Tết. “Không ngờ sức mua tương đối khá nên tiểu thương tăng giá đôi chút”, chị Bích cho hay.

Tại 3 chợ đầu mối (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn) ngay từ sáng mùng 2 Tết, thương nhân đã bắt đầu nhập hàng, hoạt động trở lại. Những ngày đầu sau Tết, lượng hàng chưa nhiều, chủ yếu là các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả, trái cây… và tăng dần trong các ngày tiếp theo.

Các chợ truyền thống nói chung đến thời điểm này hầu hết đã mở cửa hoạt động trở lại. Những ngày sau Tết, lượng bán ra nhiều nhất là các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây và thực phẩm tươi sống. Giá các mặt hàng nhìn chung ổn định, một số chủng loại có tăng nhẹ.

Không để thiếu hàng hóa

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, để phục vụ trong Tết và sau Tết, Saigon Co.op đã chuẩn bị 150.000 tấn hàng hóa nên hiện lượng hàng hóa phong phú và giá cả được giữ ổn định. Một số mặt hàng thiết yếu còn được hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food giảm giá, khuyến mãi để kích cầu sức mua đầu năm. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op cho biết, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã thực hiện 5 cam kết quan trọng của đơn vị với người tiêu dùng và lãnh đạo thành phố vào mùa Tết, trong đó có cam kết không để thiếu hàng hóa và không tăng giá.

Còn theo đại diện siêu thị Big C, do siêu thị đã thống nhất kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp từ trước Tết nên hiện nay giá cả các mặt hàng vẫn ổn định, không xảy ra trường hợp hụt hàng hay đội giá. Dự kiến, khi người lao động đã trở về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận (nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất) làm việc bình thường trở lại, lượng người tiêu dùng đến với hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố tăng cao hơn. Dù vậy, cũng như Saigon Co.op, Big C bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa và không tăng giá.

Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan, Công ty cổ phần Ba Huân...), hiện các đơn vị này đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động sau Tết. Các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá đang được triển khai.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận, huyện và doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu và ổn định giá cả hàng hóa. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa Tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố.

Bên cạnh sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn cung, đa dạng, phong phú về sản phẩm và ổn định về giá cả, hàng hóa năm nay cũng được các doanh nghiệp tập trung chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Qua đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sức mua thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn tăng từ 12% đến 15% so với Tết Mậu Tuất 2018, trong đó sức mua tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng từ 15% đến 25%. Người tiêu dùng có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online và giảm bớt thói quen dự trữ hàng hóa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường TP Hồ Chí Minh: Bảo đảm nguồn hàng, giá cả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.