Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu, dẫn dắt thị trường

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ| 04/03/2019 10:56

(HNM) - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh mong muốn có những sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu, dẫn dắt thị trường, đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng thương hiệu mạnh

Ông Nguyễn Mạnh Huy (kỹ sư xây dựng, ở số 134, đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngành xây dựng tiêu thụ lớn sản phẩm từ công nghiệp như kết cấu thép, khuôn mẫu chính xác, thiết bị điện… nên ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước để giảm chi phí bởi giá thành thường thấp hơn sản phẩm nhập ngoại. “Nếu những sản phẩm đó là sản phẩm công nghiệp chủ lực do các doanh nghiệp của thành phố sản xuất thì người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn”, ông Huy nhận định.

Vissan là một trong những thương hiệu nổi bật thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.


Trong những năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP Hồ Chí Minh có bước tăng trưởng đáng kể. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, công nghiệp thành phố vẫn còn tiềm năng và dư địa phát triển. Điển hình là nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu mạnh, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu như các sản phẩm về dệt may, da giày; gần đây là những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao như phần mềm công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, viễn thông…

Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn, thành phố xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử; hóa chất - cao su - nhựa; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may để tập trung nguồn lực phát triển, xây dựng thương hiệu mạnh. Cụ thể, thành phố đã xác định 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng như khuôn mẫu chính xác cao; thiết bị điện, dây và cáp điện; đồ uống đóng chai; dược liệu…

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng định hướng xây dựng một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao thông qua việc xác định nhóm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng. Theo đó, thành phố xác định 3 nhóm gồm: Lĩnh vực trồng trọt (rau, hoa, cây kiểng); chăn nuôi (bò sữa, lợn); thủy sản (tôm nước lợ và cá cảnh thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp tiềm năng).

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, việc TP Hồ Chí Minh xác định sản phẩm chủ lực, tiềm năng để tập trung và định hướng phát triển là rất cần thiết. Doanh nghiệp cần thành phố hỗ trợ về đất đai, vốn, công nghệ… “Nếu được thành phố hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ yên tâm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu”, người đứng đầu công ty trứng sạch ở TP Hồ Chí Minh cho hay.

Tạo “bệ phóng” từ chính sách

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sản phẩm chủ lực phải đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo động lực cho các ngành khác phát triển theo. Sở đã tham mưu cho UBND thành phố 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. “Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới các nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thành những thương hiệu mạnh ngang tầm khu vực, thúc đẩy kinh tế thành phố hội nhập sâu rộng với quốc tế”, ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh.

Nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, đối với sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng, thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất; trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất công nghiệp. Doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi trong các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố; được hỗ trợ tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; trong đó ưu tiên nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực sử dụng cho các công trình đầu tư, mua sắm công của thành phố.

Riêng những doanh nghiệp mới tham gia vào sản xuất nhóm các sản phẩm chủ lực, tiềm năng còn được ưu tiên xem xét tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; tham gia chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng. Qua đó, thành phố đã ban hành 22 chương trình, đề án, kế hoạch như quy hoạch bố trí cây trồng, vật nuôi; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn. Thành phố cũng ưu tiên doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển sản phẩm chủ lực và tiềm năng không tách rời vai trò quản lý của Nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý ngành phải chủ động lắng nghe doanh nghiệp, linh động các cơ chế, chính sách cho phù hợp. “Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc thì báo cáo lãnh đạo thành phố để tìm biện pháp giải quyết nhanh nhất...”, ông Lê Thanh Liêm cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu, dẫn dắt thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.