Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng với mô hình kinh doanh đa cấp mới

Thanh Hiền| 05/03/2019 07:28

(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, kinh doanh đa cấp trái phép đang dần quay lại dưới các hình thức như khởi nghiệp từ tay trắng, huy động vốn, đầu tư bất động sản…

Theo quy định, trước khi tổ chức hội thảo có sự tham dự từ 10 người bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp phải thông báo tới cơ quan chức năng địa phương.


Những hình thức biến tướng

Thưởng nóng 500.000 đồng cho những ai giới thiệu được học viên mới, duy trì cơ chế thưởng tiền theo kiểu bậc thang… là chiêu trò của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Sky (địa chỉ số 30, ngõ 3, phố Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy) đã làm. Với khoản học phí 8-10 triệu đồng, không phải ai cũng có đủ tiền đóng luôn một lần, nên các nhân viên của công ty này đã đưa các bạn trẻ đến trung tâm hỗ trợ tài chính mà họ chỉ định sẵn. Mặc dù nói là giúp đỡ, nhưng thực ra mỗi sinh viên phải trả lãi 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày - cao gấp 9 lần so với mức lãi suất thỏa thuận cho phép theo quy định của Luật Dân sự hiện hành.

Em Phạm Vân Anh (quê Bắc Ninh), sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Em đã đóng gần chục triệu đồng để học tiếng Anh, nhưng sau một tuần, rồi chờ suốt cả tháng, em và nhiều bạn khác chưa được học buổi ngoại ngữ nào. Thay vào đó, hằng ngày đều phải nghe dạy về cách vào Zalo, Facebook sao cho năng động, đẹp, phải chịu khó kết bạn. Nội dung các buổi dạy đó đa số là cách thức mở rộng quan hệ, kéo gần khoảng cách để tìm ra những người bạn mới… với mục đích gia tăng số lượng học viên càng nhiều càng tốt”.

Nắm bắt thông tin này, Sở Công Thương Hà Nội đã phát đi cảnh báo về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc trường hợp bị cấm của công ty trên. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhận định: “Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp hiện có nhiều biến tướng phức tạp. Công ty có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa (mà là dịch vụ đào tạo tiếng Anh).

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Sky chưa được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, dịch vụ đào tạo tiếng Anh của công ty không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi tham gia mạng lưới hoạt động của doanh nghiệp này, tránh bị thiệt hại”. Được biết, Sở Công Thương Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ việc này sang Công an TP Hà Nội để điều tra và xử lý.

Trên nhiều diễn đàn, website như kiemtienfuturenet.com, futurenet.vn, getrich.vn; futurenet. edu.vn, meodautu.com… xuất hiện nội dung giới thiệu cách làm giàu, kiếm tiền trực tuyến bằng FutureNet. Cụ thể, trang chủ website: kiemtienfuturenet.com có giới thiệu FutureNet là mạng xã hội đa phương tiện của Ba Lan, chính thức hoạt động năm 2014. Thông qua mạng xã hội, rất đơn giản để người dùng được nhận tiền như tin nhắn, đăng ảnh, bình luận, xem quảng cáo, nâng cấp tài khoản, chơi game… Để “chiêu mộ” người tham gia, FutureNet đưa ra những lời mời hấp dẫn, như thu nhập thụ động trung bình mỗi tháng tới hàng nghìn USD…

Siết chặt quản lý

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2018, các sở, ngành của thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp và 1 điểm tư vấn nhóm dinh dưỡng, với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong vòng 2 năm trở lại đây, số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã giảm từ 57 xuống còn 26 doanh nghiệp. Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn…

Tuy nhiên, để tránh bị lôi kéo vào bẫy lừa đảo đa cấp, Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Hải khuyến nghị người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo như mời chào người dân tham gia đầu tư, nộp tiền, hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường, hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy… Nhằm giúp người dân hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp lên website của Sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động này; danh sách các doanh nghiệp đã thông báo hoạt động, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, hay thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để siết chặt kiểm soát hoạt động này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (ngày 12-3-2018) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với nhiều điều khoản. Nghị định này bổ sung các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp; trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp, hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghị định cũng có nhiều quy định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để huy động tài chính trái phép. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại các địa phương phải được Sở Công Thương tại các địa phương đồng ý xác nhận đăng ký hoạt động tại chính địa bàn đó mới được phép hoạt động.

Hoạt động bán hàng đa cấp trái phép thường hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, mong muốn làm giàu nhanh. Vì thế, cùng với việc siết chặt kiểm soát hoạt động của các cơ quan chức năng, thì mỗi người dân hãy thận trọng, đề cao cảnh giác trước mọi hành vi dụ dỗ, lôi kéo dưới mọi hình thức để tránh rơi vào “bẫy” của kẻ xấu. Đặc biệt cần chú ý kiểm tra hoạt động này tại cơ quan quản lý nhà nước địa phương trước khi tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng với mô hình kinh doanh đa cấp mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.