Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao kiến thức trong hội nhập CPTPP

Thanh Hiền| 26/03/2019 07:29

(HNM) - Để hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cập nhật thông tin về chính sách pháp luật mới trong điều kiện hội nhập quốc tế, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn “Phổ biến Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP

Sản phẩm dệt may được đánh giá là có nhiều lợi thế xuất khẩu khi CPTPP thực thi. Ảnh: Thái Hiền


Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) cho biết, Thông tư số 03/2019/TT-BCT gồm 5 chương, 33 điều và 9 phụ lục kèm theo. So với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị nội địa); danh mục PSR (quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất. Trong đó, có 3 danh mục PSR gồm: Danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại...

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dựng cơ chế C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ðối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.

Bà Hiền khuyến cáo, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc xác minh xuất xứ hàng hóa đang được áp dụng hằng ngày, hằng giờ, nhằm không xảy ra hiện tượng hàng hóa từ Mỹ đi qua một số nước, trong đó có Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc và ngược lại, hàng từ Trung Quốc qua một số nước rồi mới đến Mỹ.

Được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu khi CPTPP thực thi, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, việc tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ là phương thức giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định CPTPP.

Chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp trước thách thức hội nhập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam Trần Thị Thu Hằng cho biết: “Các doanh nghiệp trong nước muốn tồn tại được trong bối cảnh hiện nay thì bắt buộc phải tự nâng cao năng lực và đặc biệt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp không biết ứng dụng công nghệ sẽ tự đào thải mình khi CPTPP có hiệu lực. Tuy nhiên, các thể chế, chính sách thuế của thành phố cần có tính ổn định và doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình chứ không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của thành phố hay Chính phủ”.

Để tận dụng lợi thế của CPTPP, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo, các doanh nghiệp phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin, xác định rõ thế mạnh của mình và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để tập trung đúng thị trường. Đặc biệt, để được hưởng ưu đãi thuế quan đối với các hiệp định thương mại tự do nói chung và CPTPP nói riêng, doanh nghiệp phải nắm thật kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Do đó, doanh nghiệp nên thường xuyên tìm hiểu, thực hiện các quá trình bảo đảm về yêu cầu xuất xứ hàng hóa, cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu để được hưởng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ những năm tiếp theo.

Việt Nam đang có ưu thế khi xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… sang các bạn hàng trong CPTPP. Với một thị trường xuất khẩu lớn và có nhiều tiềm năng để tăng giá trị xuất khẩu khi CPTPP đã đi vào hiệu lực từ đầu năm, việc cập nhật và thực thi hiệu quả các quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình xuất khẩu và mục tiêu lớn hơn là nhận được các ưu đãi thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kiến thức trong hội nhập CPTPP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.