Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Chu Thanh Vân/TTXVN| 28/03/2019 19:42

Chiều 28-3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá tăng trưởng quý I-2019, xác định những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng trong những tháng còn lại...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN


Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký và tăng thêm là 82,6%, vốn FDI thực hiện tăng 6,2% so với cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng chậm lại đáng kể (theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đến 15-3 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018, trong khi mức tăng của cùng kỳ năm 2018 là 26,5%); nền kinh tế xuất siêu 500 triệu USD. Xuất khẩu tăng thấp tập trung ở nhóm hàng nông sản (gạo, tiêu, điều...), thủy sản, công nghiệp khai khoáng, điện thoại - điện tử - máy tính - linh kiện… ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng GDP quý I-2019 có thể khoảng 6,3-6,5%, mặc dù thấp hơn mức tăng đột biến 7,45% của quý I-2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng quý I kể từ năm 2009.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN


Trong bối cảnh kinh tế thế giới kém thuận lợi đối với tăng trưởng kinh tế trong nước và diễn biến lạm phát cần được theo dõi sát sao, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng như diễn biến thị trường để điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn mức kỳ vọng, ước 3 tháng tăng 4,7% trong khi mức kỳ vọng là 9%. Tuy thấp hơn dự báo nhưng là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế, trong bối cảnh đa số các nước xung quanh đều giảm hoặc tăng rất thấp. Nhìn về cuối năm, Bộ Công Thương tin tưởng vẫn đảm bảo được chỉ tiêu Quốc hội đề ra là sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9-10%, xuất khẩu tăng từ 8-10%, do còn dư địa trong một số ngành như thép, ô tô, nhiệt điện, da giày, dệt may, nông - lâm - thủy sản…

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá, kinh tế trong nước vẫn giữ được ổn định, chưa phải điều chỉnh các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Về các chính sách kinh tế vĩ mô, các thành viên cho rằng, các bộ, ngành điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giá trị đồng tiền và lãi suất liên ngân hàng ổn định, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 góp phần kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước khả quan ở các lĩnh vực, tăng 12,3% so với cùng kỳ, bằng hơn 1/4 kế hoạch thu của cả năm. Công tác khắc phục, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2016. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia cũng trên đà giảm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN


Các thành viên Hội đồng đề nghị kiên trì thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021), nhưng trên tinh thần nắm bắt kịp thời các diễn biến ở trong nước và thế giới để cập nhật các giải pháp điều hành.

Để bảo đảm tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong Luật Quy hoạch, sớm hoàn thiện chỉnh sửa Luật Đầu tư công, xây dựng mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ đạo các địa phương bố trí vốn cho quỹ này ở địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp; đẩy mạnh việc đầu tư của tư nhân bằng giải pháp các địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác.

Cho rằng cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng, các thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu về kinh tế đã tham vấn cho Chính phủ nhiều nội dung quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới đầu năm 2019 có nhiều biến động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp thu các ý kiến góp ý, cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.